Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Các dân tộc đã đoàn kết càng phải đoàn kết thêm"

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt là tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào các dân tộc thiểu số. Đại đoàn kết dân tộc đã trở thành một nguyên tắc không thể thiếu trong phong cách lãnh đạo của Người.

Trong Di chúc để lại cho toàn thể dân tộc Việt Nam, Bác đã dặn dò: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta...". Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Người, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào các dân tộc thiểu số nhân Đại hội các Dân tộc thiểu số lần thứ I, được tổ chức vào ngày 3/12/1945 tại thủ đô Hà Nội.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khởi xướng, xây dựng và hết lòng chăm lo
cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. (Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh)

THƯ GỬI ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ[1]

Hỡi đồng bào dân tộc thiểu số,

Ngày 3/12/1945 là một ngày rất vẻ vang cho nước Việt Nam, hôm đó là ngày Đại hội của các dân tộc thiểu số lần thứ I. Hơn 20 dân tộc, họp lại một nhà, tay bắt mặt mừng, rất là thân ái. Đó là một cuộc Đại hội xưa nay chưa từng có, một cuộc thân thiện làm cho cả đất nước vui mừng.

- Xưa kia, nước ta còn chế độ nhà vua, thì triều đình ít chăm nom đến các dân tộc thiểu số.

- Trong thời kỳ Pháp thuộc, thì chúng xui dân tộc này chống dân tộc kia. Chúng làm cho đồng bào ta chia rẽ. Chúng tìm mọi cách đè nén bóc lột các dân tộc ta.

- Ngày nay, nhờ sự đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc, nhờ sự hy sinh phấn đấu của tất cả đồng bào, mà chúng ta tranh được quyền tự do độc lập, và xây nên nước Dân chủ Cộng hòa.

- Từ đây về sau, các dân tộc đã đoàn kết càng phải đoàn kết thêm, đã phấn đấu càng phải phấn đấu nữa, để giữ gìn quyền độc lập cho vững vàng để xây dựng một nước Việt Nam mới. Khi khó nhọc chúng ta cùng gắng sức, lúc thái bình chúng ta cùng hưởng chung.

Vậy nên nhiệm vụ của đồng bào dân tộc thiểu số là:

1. Ra sức giúp đỡ cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.

2. Ra sức trồng trọt chăn nuôi, tăng gia sinh sản, làm cho đủ ăn đủ mặc, và để giúp đỡ những nơi mất mùa.

3. Đoàn kết chặt chẽ, không chia nòi giống, xem nhau như anh em ruột thịt, yêu nhau, giúp nhau.

4. Ra sức ủng hộ Chính phủ, vì Chính phủ này là Chính phủ của dân, chỉ lo làm lợi cho dân.

Có nhiệm vụ thì có quyền lợi. Lợi quyền của các dân tộc thiểu số là:

1. Dân tộc bình đẳng. Chính phủ sẽ ra sức bãi bỏ những sự bất bình[2] cũ giữa các dân tộc.

2. Chính phủ sẽ gắng sức giúp các dân tộc thiểu số để mở mang nông nghiệp, ai cũng có đất mà cày.

3. Chính phủ sẽ chú ý, để nâng cao sự giáo dục, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ai cũng được học hành.

 

--------------------

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, Tập 4, tr. 155 – 156.

[2] "sự bất bình" được hiểu là "sự không bình đẳng" (BT)

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam