Cùng tham dự Lễ khai giảng có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lời thăm hỏi ân cần và chúc các cô giáo, thày giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh, các cán bộ làm công tác giáo dục - đào tạo của Thủ đô và cả nước, bước vào năm học mới dồi dào sức khỏe, phấn khởi và thu được nhiều thành tích tốt đẹp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ khai giảng năm học mới
tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều. (Ảnh: TTXVN)
Nhìn lại năm học vừa qua, Tổng Bí thư chia sẻ: Cùng với cả nước, ngành Giáo dục và đào tạo Thủ đô đã nỗ lực, cố gắng, vượt qua không ít khó khăn, đạt được nhiều thành tích quan trọng, tiếp tục có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng; nội dung và phương pháp; cả về xây dựng đội ngũ và xây dựng cơ sở vật chất. Hà Nội tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Những kết quả đó đã khẳng định vị thế của giáo dục và đào tạo Thủ đô; góp phần đưa Thủ đô phát triển xứng với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước.
Với chặng đường hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều đã ươm mầm và đào tạo nên nhiều thế hệ cán bộ, trí thức, những nhà khoa học, những người lao động đã và đang góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm rạng danh mái trường mang tên danh nhân văn hóa Nguyễn Gia Thiều.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá - khoa học - giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. 5 năm tới sẽ là chặng đường phấn đấu quyết liệt để Thủ đô trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, có vị trí xứng đáng ở khu vực và trên thế giới. Đây là nhiệm vụ to lớn nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang. Cùng với khoa học - công nghệ, ngành Giáo dục - đào tạo Thủ đô phải vươn lên phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn nữa, đáp ứng nhu cầu tạo ra nguồn lực cho sự nghiệp to lớn đó.
Tổng Bí thư đề nghị: Trong thời gian tới và ngay từ năm học 2014 - 2015, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cũng như toàn ngành Giáo dục và đào tạo Thủ đô cần quán triệt sâu sắc tinh thần này, tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám và thứ chín của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam.
Tổng Bí thư lưu ý: Phải chăm lo nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học (bao gồm cả đức, trí, thể, mỹ), làm tốt cả việc dạy chữ, dạy nghề, dạy người, đặc biệt là dạy người; không ngừng cải tiến cách dạy, cách học theo hướng khơi dậy tư duy sáng tạo của học sinh, năng lực tự học, tự tu dưỡng rèn luyện; gắn học với hành, gắn học kiến thức với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, trau dồi đạo đức, lối sống, nhằm tạo ra những con người thật sự có đức, có tài, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Muốn vậy, điều có ý nghĩa quyết định vẫn là phải có nội dung chương trình học tập thiết thực và xây dựng được đội ngũ giáo viên vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, trong sáng về phẩm chất đạo đức, tâm huyết và say mê với sự nghiệp "trồng người". Mỗi cô giáo, thày giáo là một tấm gương sáng để học sinh noi theo.
Phát động và thực hiện có hiệu quả phong trào giữ gìn nếp sống văn hoá, văn minh, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, tạo sự chuyển biến rõ nét và sâu sắc trong công tác giáo dục tri thức và truyền thống Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội văn minh - thanh lịch. Các em học sinh thi đua học tập giỏi, rèn luyện đạo đức tốt, kính trọng ông bà, cha mẹ, kính trọng thày cô, thương yêu giúp đỡ bạn bè, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội, đặc biệt là phòng, chống ma tuý xâm nhập học đường.
Bên cạnh đó, tiếp tục hiểu đúng và thực hiện tốt hơn nữa chủ trương xã hội hoá giáo dục, khai thác mọi nguồn lực của các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng, các thành phần kinh tế, của toàn xã hội, tạo ra sức mạnh tổng hợp để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng công tác giáo dục, giảng dạy chất lượng cao; đồng thời, gắn các hoạt động của nhà trường với hoạt động xã hội, kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục.
Thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đoàn và thực hiện quy chế dân chủ, công khai trong nhà trường; thực hiện tốt phương châm "Xây dựng nhà trường văn hoá; nhà giáo mẫu mực; học sinh thanh lịch". Mặt khác, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và toàn thể nhân dân quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục. Quận Long Biên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần tạo mọi điều kiện thuận lợi, giúp đỡ Trường THPT Nguyễn Gia Thiều hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tổng Bí thư tin rằng, với truyền thống hơn 60 năm xây dựng và phát triển, với nhiều kinh nghiệm đã có, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều sẽ ngày càng tiến bộ.
Tiếp đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gắn biển công trình xây dựng và cải tạo Trường THPT Nguyễn Gia Thiều - công trình chào mừng 60 năm giải phóng Thủ đô; trồng cây lưu niệm trong khuôn viên của Trường.
Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) là một trong những Trường có bề dày lịch sử, có phong trào và nền nếp dạy tốt, học tốt, một điểm sáng của ngành Giáo dục Thủ đô. Nhà trường đã xây dựng được đội ngũ giáo viên có chất lượng, đoàn kết, hết lòng vì công việc, đào tạo được nhiều học sinh giỏi cấp thành phố, quốc gia, quốc tế. Trong nhiều năm, Trường đạt 100% học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông, 70 - 80% học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Liên tục nhiều năm, trường được công nhận là "Trường tiên tiến xuất sắc", "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua"..., được Nhà nước và Thành phố tặng thưởng nhiều huân, huy chương và các danh hiệu vinh dự khác./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam