Đồng chí Phan Quang Thựu, Chi cục Trưởng Chi cục BVTV, Giám đốc Ban Quản lý dự án QSEAP tỉnh, cho biết: Dự án tập trung đầu tư các hợp phần: Quy hoạch vùng sản xuất nho an toàn; xây dựng mô hình trồng nho sạch; chứng nhận sản phẩm nho an toàn, hỗ trợ thay thế giống nho kháng sâu bệnh... Đối với hợp phần chứng nhận sản phẩm nho an toàn, Ban Quản lý dự án đã tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các nhóm liên kết sản xuất nho VietGAP; hỗ trợ, tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, ghi chép sổ sách theo quy định.
Nông dân phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) trồng nho theo quy trình VietGAP.
Nhờ đó, dự án thu hút được 31 nhóm liên kết, với 289 hộ sản xuất 74,7 ha nho VietGap. Qua kiểm tra, trong số 31 nhóm liên kết, có 28 nhóm sản xuất 66,36 ha nho đảm bảo quy trình kỹ thuật, được Công ty Cổ phần Chứng nhận Globalcert cấp Chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP có giá trị từ nay đến ngày 23-6-2016. Trong đó, thị trấn Khánh Hải 12 nhóm/29,58 ha; xã Xuân Hải (Ninh Hải) 1 nhóm/3,2 ha; xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) 9 nhóm/16,52 ha; phường Văn Hải (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) 1 nhóm/2 ha; xã Phước Sơn 2 nhóm/6,6ha; xã Phước Thuận 1 nhóm/1,86 ha; thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) 1 nhóm/3,9 ha; xã Phước Nam (Thuận Nam) 1 nhóm/2,7 ha.
Theo ông Đỗ Trung Thu, Chủ tịch Hiệp hội nho Ninh Thuận, nếu khai thác tốt Chứng nhận sẽ nâng giá trị sản phẩm nho ở những khu vực trên lên một tầm cao mới. Thực tế nho Ba Mọi nhờ có thương hiệu mà bán được giá rất cao tại thị trường Hà Nội, lên tới trên 80.000 đồng/kg. Tuy nhiên vùng trồng nho sạch Ba Mọi chỉ có hơn 1 ha không đủ cung cấp cho thị trường, trong khi hằng năm nông dân tỉnh ta sản xuất hàng ngàn tấn nho nhưng giá bán thấp, khoảng 20.000 đến 25.000 đồng/kg. Việc Chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho 28 nhóm sản xuất nho tạo cơ hội để sản phẩm nho xâm nhập vào thị trường các thành phố, siêu thị lớn. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Ban Quản lý dự án cần hỗ trợ nông dân liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, làm sao sức tiêu thụ và giá cả nho đạt tiêu chuẩn VietGap được nâng lên cao hơn so với sản phẩm nho thông thường. Với chức năng của mình, Hiệp hội nho Ninh Thuận sẽ khuyến khích người trồng nho đạt tiêu chuẩn VietGap gia nhập Hiệp hội nho; đồng thời, cấp nhãn hiệu nho VietGAP cho hộ trồng để thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ theo hướng bền vững.
Anh Phạm Văn Luyện, trưởng nhóm Liên kết sản xuất nho VietGAP Núi Một (thị trấn Khánh Hải, Ninh Hải) bày tỏ: Nông dân sản xuất nho sạch có hai cái lợi, thứ nhất giảm được chi phí vật tư nông nghiệp, thứ hai bán được giá cao hơn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn chưa khai thác được giá trị tăng thêm ở đầu ra, sản phẩm nho sạch vẫn phải bán “đổ đồng” với nho sản xuất truyền thống. Nếu tình trạng kéo dài, thì rất lãng phí Chứng nhận và có nhiều nguy cơ các nhóm liên kết sản xuất nho VietGAP bị tan rã. Ông Trần Quang Phú, cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Chứng nhận GLOBALCERT phân tích: Việc có phát huy được Chứng nhận hay không phụ thuộc rất nhiều vào hộ sản xuất. Trong nền kinh tế thị trường, bản thân nông dân phải năng động, biết đầu tư “dài hơi” để nâng cao giá trị sản phẩm của mình làm ra, chú trọng liên kết với doanh nghiệp trong khâu sơ chế, đóng gói, dán nhãn mác trước khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Các nhóm được Chứng nhận VietGAP mới là kết quả ban đầu. Để duy trì và phát triển chứng nhận, các nhóm phải tiếp tục việc ghi chép nhật ký sản xuất, phun thuốc đúng danh mục, liều lượng và đảm bảo thời gian cách ly thuốc BVTV nhằm đạt được sản phẩm an toàn. Hằng năm, tổ chức Chứng nhận GLOBALCERT đánh giá giám sát sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để nho sạch của các nhóm vươn ra thị trường trong và ngoài nước.
Anh Tùng