Đây là dãy núi đá nối liền nhau thật hùng vĩ, người ta còn gọi là liên sơn, trải dài trên 15 km, trong núi có nhiều rừng cây cổ thụ, nhiều hang động, nguồn nước,... một nơi sơn thủy hữu tình, từng là căn cứ địa cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh gây dựng.
Sau 20 năm, Hồ Chủ tịch về thăm lại Pắc Bó, Cao Bằng, năm 1961.
(Ảnh tư liệu)
Cùng các cán bộ xã Hồng Việt, chúng tôi đi thăm những làng bản dưới chân núi Phượng Hoàng. Đi trên những con đường bê tông sạch đẹp được làm từ sức dân dưới sự hỗ trợ của nhà nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới đã vươn tới khắp các bản làng, bên cạnh là những ngôi nhà xây kiên cố thay thế cho nhà lá khá nhiều và cánh đồng xanh bạt ngàn lúa ngô với những người nông dân đang hăng hái lao động,… cho thấy cuộc sống no ấm đã về với vùng căn cứ cách mạng cũ.
Dừng chân ở xóm Bản Nưa, chúng tôi ghé thăm nhà lão thành cách mạng, nhà văn Hoàng Triều Ân. Năm nay bước sang tuổi 84, nhưng ông vẫn miệt mài kì cạch bên bàn phím máy tính với những tác phẩm văn xuôi, trang thơ. Là một nhà thơ, nhà văn, sinh ra và lớn lên ở vùng đất Lam Sơn này nên ông rất am tường về lịch sử nơi đây, nơi in dấu chân hoạt động cách mạng của Bác.
Rót xong chén trà mời khách, nhà văn Hoàng Triều Ân bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về vùng căn cứ địa cách mạng Lam Sơn. Vào cuối năm 1941, Bác Hồ từ Pác Bó về Lam Sơn để nghiên cứu và khảo sát xây dựng chiến khu cách mạng. Trên đường về Lam Sơn, Bác giảng giải cho Đoàn cán bộ cùng đi, trong đó có đồng chí Lê Quảng Ba, Đức Thanh, Nông Quốc Chủng, Người nói: Khu rừng này có 99 ngọn núi, ngọn cao nhất là núi Phượng Hoàng. Truyền thuyết kể lại rằng có một đàn chim Phượng Hoàng 100 con bay đến nhưng chỉ có 99 ngọn núi nên không đủ cho 100 con đậu nên cả đàn lại cất cánh bay đi. Đây là vùng đất thiêng nhưng chưa hoàn mỹ, nên dân gian có truyền thuyết về núi Phượng Hoàng rằng là nơi đất tốt, phát vương để gửi gắm ước mơ. Dưới chân núi là nơi đóng đô của ba đời vua Mạc, kéo dài 85 năm. Rồi Bác nói thêm: "Vùng này trước là căn cứ của nhà Mạc. Nay ta về xây dựng căn cứ này với tên mới là Lam Sơn để ghi nhớ và noi theo công ơn của vua Lê Lợi đã khởi nghĩa ở vùng núi Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa chống quân Minh thắng lợi. Nơi đây đã từng đánh tan quân cướp nước nhà Minh, góp phần cùng cả nước giành độc lập cho Tổ quốc ta ngày trước. Còn ta sẽ xây dựng căn cứ này để giành độc lập từ tay phát xít, thực dân".
Tháng 5/1942, Bác Hồ chuyển trụ sở báo Việt Nam Độc lập từ Pác Bó về Lam Sơn, ở Bó Tháy, hang Kéo Quảng thuộc xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình được Bác đặt tên là hang Lê-nin. Vùng Lam Sơn trở thành nơi Bác Hồ, đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh hoạt động cách mạng từ năm 1941 – 1945.
Thời đó, nhân dân ở vùng Lam Sơn còn nghèo lắm nhưng một lòng theo cách mạng, che chở nuôi dưỡng các đồng chí làm cách mạng rất an toàn, chu đáo. Sau kháng chiến, cả vùng Lam Sơn được Chính phủ tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, gồm các xã: Hồng Việt, Hoàng Tung, Bình Long (huyện Hoà An); Minh Tâm (huyện Nguyên Bình).
Ở thời bình, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, người dân ở vùng Lam Sơn cần mẫn xây dựng phát triển kinh tế xã hội, vươn lên làm giàu, hình hài nông thôn mới giàu đẹp đang dần hiện hữu ở vùng đất anh hùng này.
Với cơ chế Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp tiền mua cát sỏi, góp ngày công, đến nay, ở Hồng Việt đã có 12/15 thôn xóm có đường bê tông vào xóm, có xóm đã gần như bê tông hóa hoàn toàn như Bó Rài. Tại đây, hệ thống mương được kiên cố hóa 7/14 km, đáp ứng nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp; trạm y tế được nâng cấp đạt chuẩn Quốc gia. Hiện xã Hồng Việt đạt 11 tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ông Hoàng Đức Thuấn, một cán bộ về hưu cho biết: Cách đây 5 năm, nơi đây chưa có đường bê tông như bây giờ, đường làng ngõ xóm không có tiếng xe máy. Nay, xóm Bản Nưa đã có hơn 90% hộ mua được xe máy.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Việt Nguyễn Ngọc Lâm cho hay: Hồng Việt có 15 thôn xóm, hơn 700 hộ đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao cùng sinh sống với nghề nông nghiệp và chăn nuôi là chủ yếu. Nhờ sự cần cù chịu khó, không ỷ lại nhà nước, biết vận dụng khoa học kĩ thuật vào nuôi trồng nên cây trồng cho năng suất cao, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện; người dân đều được sử dụng điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; an ninh quốc phòng được giữ vững, đời sống văn hóa ngày càng nâng cao... Hiện tỷ lệ hộ nghèo tại Hồng Việt chiếm 3,9% (còn 13 hộ cận nghèo, 24 hộ nghèo), phấn đấu đến cuối năm, tỷ lệ này giảm xuống còn 1,9%.
Những tiến bộ vượt bậc về kinh tế xã hội của Hồng Việt hôm nay, cho thấy sức sống, sự vươn lên mãnh liệt của nhân dân. Ngày nay, nói đến vùng Lam Sơn người Cao Bằng rất tự hào là đất địa linh nhân kiệt, qua nhiều thế hệ đã làm rạng rỡ quê hương. Nơi đây, trở thành Khu di tích lịch sử cách mạng với nhiều cảnh quan để thưởng ngoạn.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam