Ngày 18-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã kiểm tra thực hiện cuộc vận động này tại TPHCM.
Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thực hiện "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TPHCM
báo cáo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân về kết quả của Cuộc vận động. Ảnh: VGP/Từ Lương
Đến nay, TPHCM đã có trên 1.000 DN có sản phẩm đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” (chiếm khoảng 50% số lượng của cả nước); nhiều thương hiệu phát triển vững chắc tại thị trường nội địa và chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu như: Vinamilk, Sattra, Vissan, Saigon Co.op… Từ đó, bảo đảm nguồn thực phẩm đủ-sạch-an toàn phục vụ nhu cầu hàng tiêu dùng trong nước, từng bước vươn ra thị trường nước ngoài.
Nhóm hàng hóa sản xuất trong nước được người tiêu dùng trên địa bàn TPHCM ưa chuộng so với những năm trước đây đã tăng cao, bao gồm: hàng nông sản, rau quả (76,46%); sản phẩm dệt may (74,58%); thực phẩm (74,08%); sản phẩm da giày (64,35%); đồ gia dụng (58,29%); văn phòng phẩm (51,64%); sữa uống (47,17%); đồ chơi, dụng cụ học tập dành cho trẻ em (43,40%); rượu, bia, nước giải khát (42,30%),…
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon-Co.op cho biết nhiều vị trí đẹp và diện tích lớn tại các siêu thị của DN được dành để trưng bày hàng Việt Nam, các chương trình khuyến mại cũng ưu tiên cho những mặt hàng sản xuất tại Việt Nam. Hiện có tới 90% cơ cấu hàng hóa có mặt trong hệ thống của Saigon-Co.op có xuất xứ tại Việt Nam, riêng nhóm thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống có tỷ lệ đạt 95%.
Làm việc với Saigon Co.op, Vissan và Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của TP. Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, đánh giá cao sự vào cuộc đúng hướng, nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả của TPHCM thông qua công tác truyền thông.
“Thành phố cần từng bước thực hiện cuộc vận động nói không với hàng giả, hàng lậu, đồng thời tổ chức nhận diện hàng giả, hàng nhái tại các khu vực chợ để định hướng thông tin cho người tiêu dùng; tổ chức bảo vệ và tư vấn cho người tiêu dùng mua hàng qua mạng”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cần xây dựng được mạng lưới phân phối sản phẩm tới tận vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm tạo ra sự hấp dẫn đối với mọi đối tượng tiêu dùng, tạo làn sóng tâm lý sử dụng hàng Việt, qua đó, để mỗi người Việt Nam là "đại sứ" hàng sản xuất trong nước.
Trên cơ sở làm tốt thị trường trong nước, các doanh nghiệp lớn của TPHCM cần xem xét đẩy mạnh mở rộng thị trường bán lẻ hàng Việt Nam đến các nước khu vực ASEAN như Lào, Campuchia, Myanmar.
Kết quả khảo sát trong năm 2014 cho thấy 96% người dân quan tâm và rất quan tâm đến cuộc vận động; 73,43% khẳng định hàng Việt Nam là lựa chọn hàng đầu; 85,8% khẳng định tỷ lệ mua sắm, trang bị các đồ dùng trong gia đình là hàng Việt Nam (5 năm trước là trên 50%).
Nguồn www.chinhphu.vn