Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật và tán thành nhiều nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, qua thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau.
Trong đó, về vai trò của UBTVQH trong việc chỉ đạo, điều hoà, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và Ủy ban của Quốc hội, quá trình thảo luận có nhiều ý kiến đề nghị: Dự thảo Luật cần xác định rõ vai trò, vị trí của UBTVQH trong việc điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. “”Để bảo đảm sự chủ động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, có nên tiếp tục duy trì cơ chế phân công thẩm tra, phân công giám sát như hiện nay không?, vì Luật Tổ chức Quốc hội đã xác định rõ phạm vi, lĩnh vực hoạt động của các Ủy ban. Nên chăng chỉ khi nào dự án Luật hoặc vấn đề giám sát có liên quan đến lĩnh vực phụ trách của hai hoặc nhiều Ủy ban thì UBTVQH mới thực hiện phân công?” – Chủ nhiệm Phan Trung Lý bày tỏ băn khoăn
Về Tổng thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội còn có các loại ý kiến như sau: Loại ý kiến thứ nhất, tán thành việc lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội, nhưng đề nghị làm rõ vai trò của Tổng thư ký cho phù hợp hơn với mô hình tổ chức của Việt Nam cũng như kinh nghiệm quốc tế. Tổng thư ký Quốc hội không nhất thiết phải bầu trong số các đại biểu Quốc hội. Loại ý kiến thứ hai đề nghị không nên quy định chức danh Tổng thư ký mà tiếp tục duy trì mô hình Văn phòng Quốc hội như hiện nay, vì Hiến pháp không quy định chức danh Tổng thư ký Quốc hội và mô hình Văn phòng Quốc hội như hiện nay đang hoạt động tương đối ổn định. Loại ý kiến thứ ba băn khoăn cho rằng, nếu lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội thì có cần thành lập Ban thư ký Quốc hội không? Mối quan hệ giữa quy định về Tổng thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội như thế nào?
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, dự thảo Luật cơ bản giữ quy định về Tổng thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội như dự thảo trình Quốc hội theo loại ý kiến thứ nhất. Tuy nhiên, do ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội còn rất khác nhau, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị UBTVQH cho ý kiến chỉ đạo.
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thống nhất, lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Khi lập chức danh này thì nên thành lập Ban thư ký của Quốc hội. Ban này sẽ hoạt động trong cả năm chứ không phải chỉ hoạt động trong Kỳ họp của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phát biểu ý kiến
tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Quan tâm đến việc cụ thể hóa các điều trong Hiến pháp, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai chỉ ra hàng loạt các quy định trong dự thảo Luật chép lại “nguyên xi” của Hiến pháp như: Điều 7, Điều 8, Điều 18, Điều 30...
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh: Nhiều quy định trong Hiến pháp rất hay lại chưa được đề cập trong Luật. Đơn cử như trong Hiến pháp có quy định: Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp; hay Hiến pháp cũng quy định: Đại biểu Quốc hội phải giúp đỡ người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo..., nhưng những nội dung này đều không thấy đưa vào dự Luật.
Quan điểm trên của Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai được Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đồng tình cao. Ông Phan Xuân Dũng đề nghị, nhiều quy định phải được cụ thể hóa như: Quy định liên quan đến trưng cầu ý dân, quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình...
Cũng tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đã cho ý kiến về các nội dung liên quan đến vai trò của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; về Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện và Viện Nghiên cứu lập pháp..../.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam