Dự luật về bầu cử: Thêm tiêu chuẩn với người tự ứng cử

Theo dự Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều ngày 14/8, người tự ứng cử phải có giới thiệu của ít nhất 30% cử tri ở tổ dân phố, thôn nơi cư trú đồng ý giới thiệu.

Người tự ứng cử phải được ít nhất 30% cử tri nơi cư trú giới thiệu?

Trình bày Tờ trình về dự án luật, Phó trưởng Ban soạn thảo, Phó trưởng Ban công tác đại biểu Hà Minh Sơn cho biết, Dự thảo luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã kế thừa và phát triển các quy định trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, các văn bản hướng dẫn thực hiện cuộc bầu cử của UBTVQH, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những nội dung mới chủ yếu là quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia; sửa đổi một số quy định hạn chế, bất cập liên quan đến quy trình, thủ tục trong bầu cử; pháp điển hóa một số nội dung trong hướng dẫn của UBTVQH về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2011.

Một trong những vấn đề được các thành viên UBTVQH quan tâm thảo luận trong phiên họp chiều nay là về tổ chức phụ trách bầu cử và quy định bổ sung với người tự ứng cử.

Trong đó, về tổ chức phụ trách bầu cử, Ban soạn thảo đề nghị không thành lập Ban bầu cử ở đơn vị bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã. Lí do là do số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã không nhiều, phạm vi một xã, phường, thị trấn lại nhỏ (trừ một số xã miền núi), cho nên trên thực tế nhiều trường hợp Ban bầu cử chỉ phụ trách 2 - 3 Tổ bầu cử, một số trường hợp Ban bầu cử trùng với Tổ bầu cử. Vì vậy, không nên duy trì Ban bầu cử ở cấp xã như hiện nay nhằm giảm cấp trung gian, không cần thiết; nhiệm vụ của Ban bầu cử có thể giao cho Ủy ban bầu cử cấp xã thực hiện, chỉ đạo trực tiếp tới Tổ bầu cử ở những nơi có địa bàn quá rộng thì có thể tăng số lượng thành viên của Ủy ban bầu cử. “Việc không thành lập Ban bầu cử ở cấp xã sẽ giảm được gần 75.000 Ban với khoảng 600.000 thành viên Ban bầu cử” – ông Hà Minh Sơn thông tin thêm.

Một vấn đề khác đáng chú ý trong dự luật là Ban soạn thảo đề nghị bổ sung quy định đối với người tự ứng cử phải có giới thiệu của ít nhất 30% cử tri ở tổ dân phố, thôn nơi cư trú đồng ý giới thiệu. Lí do được đưa ra là người được cơ quan, tổ chức giới thiệu có sự sàng lọc qua nhiều khâu, phải được tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cử tri nơi công tác giới thiệu mới được nộp hồ sơ ứng cử, nhưng người tự ứng cử thì không có sự sàng lọc này, rất dễ dàng nộp hồ sơ ứng cử vào thẳng bước 3 của quy trình hiệp thương, do vậy thiếu sự bình đẳng giữa người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá dự luật có nhiều đổi mới, cải tiến nhưng đề nghị làm rõ tại sao không lập Ban bầu cử cấp xã? Căn cứ vào đâu mà không lập, tôi hơi lo, bởi kể cả bầu cử đại biểu Quốc hội thì việc bầu cử diễn ra ở cấp cơ sở?.

Với đề xuất người tự ứng cử phải có ít nhất 30% cử tri ở tổ dân phố, thôn nơi cư trú đồng ý giới thiệu, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ quy định trên có khả thi không và ai sẽ giúp cử tri lấy ý kiến?

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, con số 30% nêu trên là không thực tế vì “tôi đã đi dự trực tiếp các cuộc bầu cử thì thấy chỉ là Hội nghị cử tri dân phố chứ không phải là Hội nghị của tất cả cử tri tổ dân phố” - ông Ksor Phước cho biết.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng “việc bổ sung quy định trong Hồ sơ ứng cử đối với người tự ứng cử phải được ít nhất 30% cử tri nơi cư trú giới thiệu là khống chế, không tự do, có bước thụt lùi bởi các kỳ bầu cử trước đã cho ứng cử tự do”. Theo ông, nên để cử tri tự ứng cử, còn việc sàng lọc những người tự ứng cử tốt là của các cơ quan, trong đó điểm quan trọng nhất là xác định hồ sơ có đảm bảo chính xác không.

Làm rõ các thắc mắc trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý chia sẻ, cả hai đề xuất trên mới chỉ là các phương án để xin ý kiến UBTVQH. Đồng thời giải thích, Ban soạn thảo đề xuất không thành lập Ban bầu cử xã, phường, thị trấn bởi thực tế nhiều xã, phường đã đề nghị bỏ Ban bầu cử xã, phường, thị trấn nhằm giảm cấp trung gian, không cần thiết. “Qua nghiên cứu, việc bỏ Ban bầu cử này cũng không có ảnh hưởng gì đến việc bầu cử vì đã có Ban bầu cử ở cấp huyện, Tổ bầu cử được thành lập ở khu vực bỏ phiếu sẽ làm hết nhiệm vụ bầu cử” – Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho biết.

Trả lời việc quy định đối với người tự ứng cử phải có giới thiệu của ít nhất 30% cử tri ở tổ dân phố, thôn nơi cư trú đồng ý giới thiệu có khả thi hay không, ai giúp họ lấy ý kiến, ông Phan Trung Lý cho hay “khi phương án này được đồng ý thì Ban soạn thảo mới tính toán, hướng dẫn sâu hơn”.

Cho kết thúc sớm tại các khu vực đã hoàn thành bỏ phiếu

Theo Ban soạn thảo, trong quá trình tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, nhiều địa phương cho rằng, quy định cuộc bỏ phiếu kết thúc vào lúc 7 giờ tối là chưa hợp lý vì thực tế đa số các khu vực bỏ phiếu (nhất là ở các đơn vị lực lượng vũ trang) có 100% cử tri trong danh sách đi bầu từ rất sớm.

Về vấn đề này, Phó trưởng Ban soạn thảo Hà Minh Sơn cho biết, hiện có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc kéo dài cuộc bầu cử từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối là không cần thiết, tốn kém công sức và chi phí cho công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở khu vực bỏ phiếu, làm chậm thời gian kiểm phiếu. Do vậy, đề nghị quy định trường hợp các khu vực bỏ phiếu có 100% cử tri trong danh sách đã thực hiện quyền bầu cử thì được kết thúc cuộc bỏ phiếu, đồng thời nghiên cứu quy định việc sử dụng hòm phiếu phụ để cho cử tri vãng lai thực hiện quyền bầu cử.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, việc quy định kết thúc sớm cuộc bỏ phiếu tại các khu vực bỏ phiếu có 100% cử tri trong danh sách đã thực hiện quyền bầu cử sẽ làm phát sinh việc “chạy đua” thành tích, khi đó, việc bầu hộ, bầu thay sẽ xảy ra nhiều hơn, dễ dẫn đến các sai sót về quy trình bầu cử rất dễ xảy ra. Vì vậy, không nên quy định kết thúc cuộc bỏ phiếu tại các khu vực có 100% cử tri trong danh sách đã thực hiện quyền bầu cử.

Ban soạn thảo thấy rằng, để phù hợp với thực tiễn, đề nghị UBTVQH có quy định tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đồng thời cho kết thúc cuộc bỏ phiếu tại các khu vực bỏ phiếu có 100% cử tri trong danh sách đã thực hiện quyền bầu cử nhưng không sớm hơn 12 giờ trưa cùng ngày. Mỗi xã, phường, thị trấn tổ chức một số điểm để hòm phiếu phụ phục vụ cử tri vãng lai thực hiện quyền bầu cử.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Ksor Phước nhấn mạnh cần lưu ý những trường hợp ở các địa điểm cử tri vãng lai là chủ yếu, cử tri đăng ký rất ít. “Đơn cử như tại sân bay, vào giờ bầu cử thì người ta phải di chuyển, vậy nếu lấy con số 100% cử tri trong danh sách đã thực hiện quyền bầu cử - chủ yếu là cán bộ, nhân viên sân bay rồi tuyên bố kết thúc thì còn hàng nghìn người đang ở đây chưa bầu cử thì có phương án như thế nào?” – ông Ksor Phước phát biểu.

Cho ý kiến tại phiên họp chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ, “dù cuộc bỏ phiếu tại các khu vực bỏ phiếu có 100% cử tri trong danh sách đã thực hiện quyền bầu cử thì kết thúc vào 12 giờ trưa vẫn là sớm quá”.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, tinh thần khi xây dựng luật này là trên cơ sở đánh giá, tổng kết thực tiễn qua các cuộc bầu cử và việc thi hành các văn bản pháp luật về bầu cử để giữ ổn định những quy định vẫn hợp lý, hiệu quả; chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề hạn chế, bất cập đã rõ, có đủ cơ sở.

Cuối giờ chiều 14/8, UBTVQH đã họp kín cho ý kiến về mẫu báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm về việc thực hiện các nội dung quy định tại Điều 5 của Nghị quyết 35/2012/QH13./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam