Cần thu hẹp đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 14/8, UBTVQH cho ý kiến về Dự án Luật NVQS. Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của các thành viên UBTVQH là quy định tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ.

Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh: Luật NVQS hiện hành quy định đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tập tại trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học là quá rộng. Do đó, công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ hằng năm chiếm tỷ lệ lớn so với tổng số công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ, gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình xét duyệt gọi nhập ngũ; việc gọi công dân tốt nghiệp trung học phổ thông, cao đẳng, đại học vào phục vụ tại ngũ trong Quân đội không nhiều; một số công dân đã lợi dụng chính sách tạm hoãn gọi nhập ngũ để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tại ngũ, gây bất bình trong nhân dân và ảnh hưởng đến chất lượng tuyển quân.

 

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình bày những nội dung cơ bản
của Luật NVQS. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Vì vậy, Điều 44 Dự thảo Luật NVQS đã quy định chỉ tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với những công dân: ”đang học tại trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông nhiều cấp học; đang học chương trình đào tạo đại học thuộc hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân” để nâng cao chất lượng gọi nhập ngũ và góp phần bảo đảm công bằng xã hội về thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ngoài ra, Dự thảo cũng bãi bỏ hoãn gọi nhập ngũ đối với đối tượng “đi xây dựng vùng kinh tế mới trong 3 năm đầu”.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban cho rằng, việc thu hẹp đối tượng tạm hoãn là hợp lý để bảo đảm công bằng xã hội, tuy nhiên đề nghị không phân biệt diện tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên đại học, cao đẳng đang học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân để bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội học tập trong giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục. Đồng thời, nghiên cứu quy định độ tuổi gọi nhập ngũ để có thể gọi số thanh niên đã hoàn thành chương trình các bậc học cao tham gia thực hiện NVQS tại ngũ, khắc phục tình trạng như thời gian qua, gọi nhập ngũ chủ yếu chỉ tập trung vào con em nông dân, tỷ lệ gọi số thanh niên tốt nghiệp đại học, cao đẳng rất thấp, tránh các biểu hiện trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng: Cần thiết thu hẹp đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ. “Theo tôi bất kỳ ai cũng phải thực hiện NVQS như ở Hàn Quốc từ 18 - 25 tuổi”, ông Dũng nói.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đề nghị: Xem lại việc quy định miễn gọi thực hiện NVQS đối với cán bộ, công nhân viên chức đã làm việc tại vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn… từ 2 năm trở lên vì dễ dẫn đến việc bị lợi dụng. Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước phản ánh: Hiện một số tỉnh đang thắc mắc về chính sách này, vì nằm ở cùng một xã nhưng thôn cạnh nhau cũng có thể có chính sách miễn gọi thực hiện NVQS khác nhau.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề trong khi Dự thảo đề ra mục tiêu phải bảo đảm đội ngũ tinh nhuệ, song lại tạm hoãn gọi nhập ngũ các đối tượng là sinh viên thì không hợp lý. Dẫn chứng trường hợp rớt đại học đi du học nước ngoài được hoãn gọi nhập ngũ thì không bình đẳng.

Theo Phó Chủ tịch, việc để các thanh niên tham gia NVQS sẽ đạt được nhiều mục tiêu, giáo dục, rèn luyện thanh niên, cũng như tránh xa được các tệ nạn xã hội.

Để bình đẳng xã hội, Phó Chủ tịch cho rằng cả công chức, viên chức trong độ tuổi cũng phải tham gia NVQS.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lại cho rằng quy định tạm hoãn tại Dự thảo mở quá rộng so với quy định hiện hành. Bởi, trong Dự thảo Luật mới không quy định tạm hoãn trong thời bình hay thời chiến, như vậy đối tượng hạn chế nhưng điều kiện mở rộng. Vì vậy, đề nghị chỉ nên quy định gắn với thời bình, giữ như Luật hiện hành.

Về số lần gọi nhập ngũ, Dự thảo Luật quy định trong trường hợp cần thiết có thể gọi nhập ngũ 2 lần 1 năm, song Chủ nhiệm Phan Trung Lý đề nghị cần làm rõ trường hợp nào là cần thiết vì quy định như vậy quá mở rộng.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị: Nên xây dựng một điều về nguyên tắc, đến tuổi phải thực hiện NVQS để nâng cao ý thức, đặc biệt giáo dục giới trẻ về trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. “Nguyên tắc này sẽ làm rõ quan điểm của Hiến pháp 2013”, bà Mai nói.

Đồng thời, bà Trương Thị Mai cũng cho rằng: Nên thu hẹp đối tượng miễn gọi NVQS. “Ở Hàn Quốc chỉ miễn đối với đối tượng tâm thần, truyền nhiễm, không có khả năng lao động …, nên nghiên cứu cơ chế này”, bà Mai nói.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam