Có nên giao thẩm quyền thanh tra cho cơ quan bảo hiểm xã hội?

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đề xuất giao chức năng thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho cơ quan BHXH

Giao thẩm quyền thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan bảo hiểm xã hội là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của các thành viên UBTVQH.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết: Thường trực Ủy ban thấy rằng, cơ quan BHXH chịu trách nhiệm quản lý quỹ tài chính rất lớn liên quan đến an sinh xã hội của hàng chục triệu người lao động, không phải là đơn vị sự nghiệp chuyên môn thuần túy mà là một tổ chức tài chính, được Nhà nước giao chức năng quản lý, sử dụng và đầu tư sinh lời đối với quỹ BHXH, thực hiện cung cấp dịch vụ công. Nếu bổ sung chức năng thanh tra đối với việc đóng BHXH sẽ khắc phục mạnh mẽ hơn những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật BHXH. Thường trực Ủy ban tán thành với quy định giao chức năng thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH (Điều 13) và bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, Giám đốc cơ quan BHXH cấp tỉnh và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH (Điều 122).

Đồng tình với quy định trên, song Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế vẫn phải thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động BHXH và BHYT.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng: Việc thanh tra của cơ quan BHXH không được trùm lên hoạt động thanh tra bảo hiểm nói chung của cơ quan quản lý nhà nước, mà chỉ thanh tra nhiệm vụ đóng BHXH để bảo đảm thu nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ.

Tán thành giao thẩm quyền cho BHXH thanh tra, nhưng Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho rằng: Quyền xử phạt thì phải xem xét.

Ở một khía cạnh khác, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lại tỏ ra băn khoăn: Giao thẩm quyền thanh tra cho BHXH thì có trái với Luật Thanh tra hay không?.

Bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tham gia BHXH bắt buộc: Cân nhắc “vỡ” quỹ BHXH

Liên quan đến quy định về bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường và thị trấn (gọi chung là cấp xã) tham gia BHXH bắt buộc (điểm i, khoản 1, Điều 2, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về việc bổ sung đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tham gia BHXH bắt buộc.

 

Trưởng Ban dân nguyện UBTVQH Nguyễn Đức Hiền phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết có 2 phương án sau:

Phương án 1 (ý kiến của Chính phủ): Đề nghị quy định đối tượng này thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước ưu tiên hỗ trợ, vì đối tượng này không thuộc diện hưởng tiền lương mà chỉ hưởng chế độ phụ cấp, thời gian làm việc không trọn ngày và sẽ gặp khó khăn khi giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (các chế độ của BHXH bắt buộc).

Phương án 2: Tán thành việc áp dụng BHXH bắt buộc trong phạm vi chế độ hưu trí và tử tuất có sự hỗ trợ của Nhà nước đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; đồng thời khuyến khích các địa phương, căn cứ vào khả năng ngân sách để hỗ trợ việc thực hiện BHXH bắt buộc đầy đủ 5 chế độ (hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tại nạn lao động và bệnh nghề nghiệp).

Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội thấy rằng, nếu quy định nhóm này tham gia BHXH tự nguyện thì dự thảo Luật cần quy định cụ thể về mức tiền lương tháng đóng BHXH tự nguyện là mức tiền lương cơ sở và mức hỗ trợ của Nhà nước tối đa không quá 10%. Tỷ lệ cụ thể sẽ do Chính phủ quy định để đảm bảo phù hợp với khả năng ngân sách trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri cho thấy, nhiều người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có quá trình làm việc tương đối lâu dài tại cơ sở, có nguyện vọng tham gia BHXH bắt buộc, cùng với chính sách liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện sẽ đảm bảo việc tham gia liên tục để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Tán thành bổ sung quy định trên, Trưởng Ban dân nguyện UBTVQH Nguyễn Đức Hiền cho rằng: Nói là bán chuyên trách nhưng họ làm việc cả ngày, trong khi được hưởng phụ cấp không đồng đều vì phụ thuộc vào khả năng của địa phương, thậm chí chỉ “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nên cần thiết bổ sung đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu: Nếu thực hiện BHXH bắt buộc đối với đối tượng này thì Nhà nước phải bỏ ra 443 tỷ đồng/năm để hỗ trợ tiền đóng BHXH, nhưng vấn đề ở đây là phải nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ này chứ không chỉ có ban hành chính sách hỗ trợ.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý lại cho rằng, cán bộ bán chuyên trách thì lương và phụ cấp của họ được hưởng ở nhiều nơi, nên để họ được đóng bảo hiểm tự nguyện là hợp lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề: Khả năng vỡ quỹ BHXH lớn hơn khi mở rộng đối tượng đối với cán bộ bán chuyên trách, nên chỉ quy định cán bộ đóng bảo hiểm tự nguyện. Nhà nước xem xét khả năng quyết định mức hỗ trợ cho phù hợp.../.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam