Sáng 12/8, tiếp tục phiên họp thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự án Luật Dạy nghề.
Khẳng định nơi để xe trong nhà chung cư thuộc sở hữu chung
Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được các các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại kỳ họp thứ 7. Đại diện cơ quan thẩm tra, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) cho biết, qua thảo luận, hiện còn 5 nhóm vấn đề có ý kiến khác nhau: về thời điểm chuyển quyền sở hữu; quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài; chính sách nhà ở công vụ; chính sách nhà ở xã hội; thời hạn sử dụng nhà chung cư, sở hữu diện tích chung nhà chung cư.
Trong đó, về vấn đề sở hữu chung trong nhà chung cư, có ý kiến đề nghị cần rà soát để quy định thống nhất diện tích thuộc sở hữu chung trong nhà chung cư (nhất là diện tích dùng làm nơi để xe). Tuy nhiên, Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho biết, theo quy định tại khoản 3 dự thảo Luật thì chỗ để xe được chia thành 2 loại, nếu là chỗ để xe 2 bánh thì thuộc sở hữu chung, nếu là chỗ để xe ô tô thì do chủ đầu tư quyết định. Mặt khác, tại khoản 3 Điều 70 Luật Nhà ở hiện hành đã quy định rõ nơi để xe là thuộc sở hữu chung; tuy nhiên, khi hướng dẫn Luật Nhà ở năm 2005 thì tại khoản 2 Điều 49 Nghị định 71/2010/NĐ-CP đã chia nơi để xe thành 2 loại như dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho rằng, quy định này đã dẫn đến nhiều trường hợp tranh chấp về nơi để xe ô tô trong nhà chung cư vì không rõ là thuộc sở hữu chung hay sở hữu riêng, phát sinh tranh cãi về mức giá trông giữ xe ô tô, gây mất ổn định trật tự xã hội. “Do đó, Thường trực UBPL đề nghị tiếp thu ý kiến ĐBQH là cần kế thừa quy định của Luật Nhà ở hiện hành và khẳng định rõ là nơi để xe trong nhà chung cư thuộc sở hữu chung để thực hiện thống nhất trên toàn bộ các nhà chung cư và hạn chế các tranh chấp phát sinh liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư trong thời gian tới” – Chủ nhiệm Phan Trung Lý nhấn mạnh.
Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ, về nguyên tắc, toàn bộ công trình chung cư xây xong thì tất cả những gì quy định vào giá bán là sở hữu chung, còn nếu chủ đầu tư muốn giữ lại tầng hầm (trừ chỗ để xe máy) để làm chỗ giữ ô tô thì diện tích đó không được phân bổ vào giá bán căn hộ. Theo bà, “đã là sở hữu riêng thì không được tính vào giá bán”.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, “trong luật này phải chú trọng bảo đảm không gian nhất định cho trẻ em chơi, cho người già sinh hoạt, chứ không thể cái gì cũng để làm kinh doanh”.
Bên cạnh nội dung trên, một số thành viên UBTVQH cũng bày tỏ băn khoăn về quy định thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, việc quy định thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội là một trong những lĩnh vực quan tâm tới an sinh xã hội và người nghèo, kể cả người nghèo ở đô thị. Tuy nhiên, bà cho rằng không nhất thiết yêu cầu tất cả 63 tỉnh, thành phố phải thành lập Quỹ mà chỉ quy định thành lập Quỹ tại các địa phương cần có nhà ở xã hội và nên thống nhất quản lý Quỹ từ trên xuống dưới.
Kết luận phần thảo luận về dự luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, dự án luật này sẽ được tiếp tục đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị ĐBQH chuyên trách trước khi hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào cuối năm nay.
Không quy định tỉ lệ học sinh theo học nghề nghiệp
Cũng trong sáng 12/8, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Dạy nghề.
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Dạy nghề, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu nhiên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho hay, trên cơ sở ý kiến của tuyệt đại đa số ĐBQH đề nghị đổi tên và mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Dự án Luật cũng như ý kiến đồng thuận tại công văn số 5524/VPCP-PL ngày 22/7/2014 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, Thường trực Ủy ban này đề nghị đổi tên gọi của Dự án Luật thành Luật Giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ được mở rộng, gồm cả trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, để bao quát toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Về chính sách phân luồng học sinh theo học nghề nghiệp, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi phân tích, việc phân luồng học sinh theo học nghề nghiệp được thực hiện trong quá trình học sinh theo học các cấp học phổ thông, vì vậy thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giáo dục. Do đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị không quy định trong Luật này tỉ lệ học sinh theo học nghề nghiệp mà chỉ nên quy định một số cơ chế, giải pháp nhằm khuyến khích, thu hút học sinh theo học nghề nghiệp (như chính sách ưu tiên trong tuyển sinh; miễn, giảm học phí; hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng chính sách, đối tượng ở các vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn…).
Chủ nhiệm Đào Trọng Thi phân tích thêm, việc lựa chọn theo học các trình độ đào tạo nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THCS và THPT không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của nhà quản lý mà chịu tác động của nhiều yếu tố như điều kiện, hoàn cảnh, năng lực, nguyện vọng của người học. Vì vậy, không nên luật định tỉ lệ học sinh được phân luồng vào học nghề nghiệp mà nên để Chính phủ xác định trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cũng như trong quy hoạch phát triển nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng giai đoạn cụ thể.
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá dự luật đã tiếp thu nhiều ý kiến của các vị ĐBQH. Bà cũng bày tỏ nhất trí việc sửa đổi tên gọi của dự luật thành Luật Giáo dục nghề nghiệp. Liên quan đến việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không nên quy định chung chung là giao cho Chính phủ phân công cụ thể cho phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ. Phó Chủ tịch đề nghị quy định ngay trong Luật cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Luật này có điểm mạnh là để tạo cơ chế bình đẳng cho các trường công, trường tư nên tất cả điều khoản của Luật đều được áp dụng chung. Tuy nhiên, theo bà, chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục nghề nghiệp cần quan tâm hơn tới các cơ sở dạy nghề công lập. “Cơ chế đặt hàng dạy nghề cần không phân biệt công tư, nơi nào làm tốt thì nhà nước đặt hàng. Nhưng thực tế, tại các vùng sâu, vùng xa thì tư nhân không đầu tư mà chủ yếu là đơn vị công lập. Do vậy, cần quan tâm tới cơ sở công lập để đầu tư cho vùng sâu, vùng xa” – Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam