(NTO) Theo báo cáo giám sát của Ban Văn hóa-xã hội HĐND tỉnh trong giai đoạn 2006-2013, thực hiện Chương trình Nươc sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT), bằng nhiều nguồn vốn từ ngân sách, các nguồn lực xã hội hóa, doanh nghiệp, sức dân… tỉnh ta đã đầu tư xây dựng mới 14 công trình cấp nước sinh hoạt, với tổng vốn đầu tư trên 125 tỷ đồng; tu sửa, nâng cấp mở rộng 40 hạng mục, công trình cấp nước với tổng mức đầu tư trên 160 tỷ đồng, nhờ đó, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh được nâng lên từ 48% (năm 2006) lên 84,05% (năm 2013), trong đó 62,91% sử dụng nước sạch đạt chuẩn Bộ Y tế. Chương trình mục tiêu Quốc gia về NS&VSMTNT tại tỉnh ta được các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao, phát huy hiệu quả vốn đầu tư và công trình mang tính bền vững.
Hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Công Hải (Thuận Bắc). Ảnh: Sơn Ngọc
Tuy nhiên, trong tổng số 45 hệ thống cấp nước tập trung, có 40 công trình cấp nước tập trung hoạt động bền vững và phát huy hiệu quả tốt do Trung tâm NS&VSMTNT trực tiếp quản lý vận hành. Bên cạnh đó, có 3 công trình hoạt động kém hiệu quả (hệ thống cấp nước Phước Kháng, Suối Đá, Xóm Bằng) và 2 công trình không hoạt động (Phước Bình, Phước Trung), các công trình này do UBND các huyện đầu tư xây dựng và bàn giao cho UBND các xã quản lý. Nguyên nhân, là do các công trình này được đầu tư xây dựng nhưng không đồng bộ (nguồn nước không đảm bảo hoặc thiếu hệ thống xử lý hóa chất, không đưa hệ thống dẫn nước vào nhà mà để vòi nước công cộng…); trong quá trình quản lý, vận hành không thu được tiền sử dụng nước nên không có kinh phí để hoạt động và sửa chữa; số người quản lý và vận hành chưa được đào tạo về chuyên môn…
Để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2014 có 86% dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 66% dân số sử dụng nước sạch đạt chuẩn Bộ Y tế quy định (năm 2015, tương ứng là 87,5% và 68%), trước mắt, tỉnh cần bố trí nguồn vốn 65,5 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, sửa chữa 5 công trình cấp bách gồm 3 công trình kém hiệu quả và 2 công trình không hoạt động như đã nêu trên.
Ông Bùi Văn Định, Phó Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh cho biết thêm: Theo Quyết định 366/QĐ-TTg ngày 31-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ thì UBND tỉnh bố trí từ nguồn ngân sách địa phương tối thiểu 10% tổng nguồn vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMTNT tại địa phương, nhưng trong giai đoạn vừa qua tỉnh mới bố trí 6% tổng nguồn vốn. Trong các năm tới đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí từ 10% trở lên để có điều kiện thực hiện các mục tiêu đề ra. Đối với 5 công trình cấp bách nêu trên, về chủ trương của tỉnh và các địa phương là bàn giao lại cho đơn vị sửa chữa, nâng cấp, quản lý, cung cấp nước sạch cho bà con. Trong thời gian đến khi có nguồn vốn phân bổ, chúng tôi sẽ ưu tiên tập trung đầu tư sửa chữa, nâng cấp các hệ thống này để cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng các công trình. Vận động các hộ dân ở vùng chưa có hệ thống cấp nước sạch tập trung, nguồn nước ô nhiễm cùng tham gia đầu tư hệ thống bể lọc nước gia đình, các hộ dân được thụ hưởng chính sách nhà nước hỗ trợ đầu tư thiết bị lọc nước cần nâng cao trách nhiệm, sử dụng hiệu quả.
Xuân Bính