Mục tiêu nhằm phấn đấu đưa công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia phát triển mạnh mẽ, làm động lực phát triển kinh tế của các địa phương với cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng hợp lý, phát huy cao độ các lợi thế về tài nguyên và thương mại.
Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Ảnh minh họa.
Phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới
Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp, ngành Công Thương sẽ tập trung khai thác và đầu tư mở rộng, nâng cấp công nghệ khai thác một số khoáng sản có trữ lượng lớn như cao lanh, đá vôi, xi măng, đá xây dựng. Đồng thời, tiếp tục triển khai các dự án chế biến sâu một số loại khoáng sản như cao lanh, đá vôi xi măng.
Bên cạnh đó, đối với ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản sẽ đầu tư mới và nâng công suất một số dự án chế biến gạo, gỗ, cao su, hồ tiêu, hạt điều và cà phê; phát triển mạnh chế biến thực phẩm và sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Để sản xuất vật liệu xây dựng, cũng sẽ đầu tư mới các cơ sở sản xuất vật liệu nung lò tuy nen và từng bước chuyển đổi các lò thủ công sang lò tuy nen, kết hợp với đầu tư các cơ sở sản xuất vật liệu không nung nhằm dần thay thế cho vật liệu nung…
Đối với hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, ngành Công Thương sẽ xây dựng mới và nâng cấp mở rộng mạng lưới chợ biên giới, chợ cửa khẩu theo Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam – Campuchia đến năm 2020 . Đồng thời, phát triển khu thương mại dịch vụ tại một số khu kinh tế cửa khẩu thuộc danh mục được Thủ tướng Chính phủ ưu tiên đầu tư từ nguồn Ngân sách Trung ương giai đoạn 2013 – 2020 tại Tây Ninh và An Giang.
Ngoài ra, phát triển hệ thống trung tâm mua sắm, siêu thị quy mô nhỏ (hạng III) tại các thị trấn, trung tâm huyện và các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ, phục vụ tiêu dùng của cư dân tại chỗ và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; phát triển một số trung tâm thương mại, siêu thị quy mô vừa (hạng II) tại các cửa khẩu quốc tế, chủ yếu phục vụ nhu cầu của khách vãng lai, thương nhân và nhà đầu tư…
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thị và quảng cáo sản phẩm xuất khẩu
Để thực hiện quy hoạch trên, Bộ Công Thương đã đề ra một số giải pháp chủ yếu, trong đó sẽ tập trung phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu phục vụ cho phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; tăng cường công tác điều phối nhằm đảm bảo tuân thủ phân bố không gian phát triển công nghiệp, thương mại trên toàn tuyến để phát huy được lợi thế của từng địa phương, tránh đầu tư chồng chéo, khép kín gây lãng phí.
Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp và tạo môi trường bình đẳng nhằm thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại tại các khu, cụm công nghiệp và các khu kinh tế cửa khẩu; cung cấp thông tin về thị trường, mặt hàng, giá cả, các thay đổi trong chính sách biên mậu. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thị và quảng cáo sản phẩm xuất khẩu và tham gia các hội chợ thương mại biên giới nhằm tìm được những yêu cầu mới, những mặt hàng mới và bạn hàng mới…