Học sinh không nên hoang mang về đề thi THPT theo phương án mới

Đề thi tốt nghiệp THPT theo phương án 2 và 3 thực chất là đề tổng hợp nhiều môn.

Trong Dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia có phương án 2 yêu cầu thí sinh phải thi 8 môn trong 5 bài thi khác nhau và phương án 3 yêu cầu thí sinh thi 11 môn trong 4 bài thi khác nhau. Các phương án này đang khiến nhiều học sinh lo ngại vì phải học tập, ôn luyện nhiều hơn.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014

Trước lo lắng của thí sinh, tại buổi họp báo sáng 8/8, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Đề thi tốt nghiệp THPT theo phương án 2 và 3 thực chất là đề tổng hợp nhiều môn. Thay vì học sinh làm 1 bài thi trong 1 buổi thì các em sẽ phải làm 3 môn thi trong 1 buổi. Thời gian cũng giảm đi, thay vì 180 phút cho 1 môn thi, thí sinh sẽ chỉ làm bài cho 1 môn là 60 phút. Mục đích của đề thi tổng hợp là giảm bớt căng thẳng cho học sinh. Vì vậy, thí sinh không nên hoang mang về đề thi theo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia mà Bộ GD-ĐT đang trưng cầu ý kiến dư luận xã hội.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, đề thi theo dạng tích hợp liên kết các môn thi chỉ được thực hiện khi chúng ta thay đổi chương trình sách giáo khoa, ổn định việc giảng dạy và học tập theo phương pháp tích hợp.

Dự thảo 3 phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia:

Phương án 1: Thi theo môn

Thi 8 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ; có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1 môn;

Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí;

Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; kết quả 4 môn thi này cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.

Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định.

Theo lộ trình đổi mới thi, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi với mức độ tích hợp từ ít đến nhiều, từ thấp đến cao phù hợp với thay đổi việc dạy và học ở nhà trường trong quá trình triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW.

Phương án 2: Thi theo bài

Trong Kỳ thi, 8 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm:

- Bài thi Toán;

- Bài thi Ngữ văn;

- Bài thi Ngoại ngữ;

- Bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học và Sinh học);

- Bài thi Khoa học Xã hội (gồm Lịch sử và Địa lí);

Có 5 buổi thi trong 2,5 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi.

Mỗi thí sinh phải thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; 1 bài thi do học sinh tự chọn từ Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội.

Phương án 3: Thi theo bài

Trong Kỳ thi, 11 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi gồm:

- Bài thi Toán – Tin (gồm các môn Toán và Tin học);

- Bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học và Công nghệ);

- Bài thi Khoa học Xã hội (gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân);

- Bài thi Ngoại ngữ;

Có 4 buổi thi trong 2 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi.

Mỗi thí sinh phải thi cả 4 bài thi nói trên.

Nguồn VOV Online