1.Tình hình căng thẳng trên Biển Đông sẽ là một trong những vấn đề chính được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47, Diễn đàn An ninh khu vực ARF, cùng với một loạt hội nghị cấp Bộ trưởng liên quan diễn ra tại Thủ đô Nay Pyi Taw (Nây Pi Tâu), Myanmar từ ngày 8-10/8.
Trước thềm hội nghị, các học giả cho rằng, ASEAN cần tiếp tục duy trì đoàn kết, thể hiện vai trò trung tâm của mình để giải quyết các căng thẳng trên Biển Đông-Vấn đề vốn không còn là song phương, mà là vấn đề chung của khối. Tình hình căng thẳng trên Biển Đông đã, đang và có xu hướng tiếp tục leo thang khi Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế. Đây là yếu tố gây mất ổn định, đe dọa tới hòa bình và tiến trình xây dựng cộng đồng chung ASEAN.
Tiến sĩ Arisman (A-rít-man)-Trung tân Nghiên cứu Đông Nam Á tại Jakarta (Gia-cát-ta), Indonesia cho rằng, các nước trong khối ASEAN cần có phản ứng rõ ràng với Trung Quốc và quan điểm không phải là vấn đề song phương mà của cả khối. Theo Nhà phân tích chính trị Richard Heydrian-Đại học Tổng hợp Ateneo De Manila, cho dù Trung Quốc không chấp nhận cơ chế đa phương thì hiện ASEAN vẫn còn nhiều cơ chế linh hoạt khác để giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc.
Với sự tham gia của các Bộ trưởng Ngoại giao đến từ 27 nước ASEAN và các đối tác, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần 47 và các hội nghị liên quan sẽ là dịp quan trọng để vấn đề Biển Đông tiếp tục được thảo luận với mục tiêu cuối cùng là nhằm tạo ra môi trường hòa bình và an ninh khu vực, làm cơ sở để ASEAN có thể hoàn thành mục tiêu xây dựng cộng đồng vào cuối năm 2015.
2. Thế giới lo lắng khi dịch bệnh Ebola đang lây lan mạnh, làm hơn 932 người tử vong và số ca nhiễm bệnh đã lên tới trên 1.710 người tại Tây Phi kể từ đầu tháng 3 năm nay. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 6-8 đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp nhằm ngăn chặn đà lây lan của virus Ebola. Nhiều nước trên thế giới đã khuyến cáo công dân không nên đi du lịch tới Tây Phi cũng như hủy bỏ chuyến bay đến khu vực này.
Cũng theo số liệu mới nhất do WHO cập nhật, trong 2 ngày (2 và 3-8), đã có thêm 108 trường hợp nhiễm mới và 45 ca tử vong tại các nước Guinea (Ghi-nê), Liberia (Li-bê-ri), Nigeria (Ni-giê-ri) và Sierra Leone (Xi-ê-ra Li-ôn). Trong số tử vong này, Liberia có 27 nạn nhân, Sierra Leone có 13 và 5 người ở Guinea. Mặc dù có 10 trường hợp nhiễm mới, song Guinea vẫn là nơi có tỷ lệ tử vong cao nhất do nhiễm virus Ebola. Tính đến nay, quốc gia này đã có 495 người nhiễm bệnh và 363 trường hợp tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát.
Để đối phó với dịch Ebola đang hoành hành tại châu Phi, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá 20 triệu USD để giúp các nước Tây Phi.
3. Liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraina, trong bối cảnh căng thẳng về quan hệ giữa Mỹ và EU với Nga đang “tăng nhiệt” với những đòn trừng phạt kinh tế nhằm vào Moskva (Mát-xcơ-va), cuộc chiến thương mại giữa Nga và phương Tây đang có nguy cơ bùng nổ khi Tổng thống Nga ký Sắc lệnh “Về áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt riêng rẽ nhằm bảo đảm an ninh Liên bang Nga” vào ngày 6-8.
Sắc lệnh yêu cầu các cơ quan chính quyền trung ương thực thi những biện pháp liên quan. Theo đó, trong thời gian 1 năm kể từ ngày sắc lệnh trên có hiệu lực, phải cấm hoặc hạn chế nhập khẩu vào Nga một số mặt hàng nông sản, nguyên liệu, lương thực thực phẩm có xuất xứ từ những quốc gia đã áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế chống các cá nhân và thể nhân của Nga, hoặc những quốc gia đã ủng hộ quyết định trừng phạt này. Các mặt hàng như sữa, pho-mát, hành tây từ Ukraina; đào từ Hy Lạp; táo từ Ba Lan; hoa quả khác từ Moldova (Môn-đô-va), hay thịt từ Tây Ban Nha đều bị cấm nhập khẩu vào Nga. Được biết, Nga là thị trường xuất khẩu lớn của EU. Với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ Euro mỗi năm. Cuộc chiến thương mại này báo hiệu những tổn thất về lợi ích kinh tế cho tất cả các bên liên quan.
PV