Đám mây bụi khổng lồ bốc của quả bom Mỹ ném xuống Hiroshima.
Trong ánh sáng chói lòa tạo bởi hai màu: Đỏ và lam, người, vật cùng các công trình kiến trúc ở Hiroshima oằn mình lên rồi tàn lụi. Với sức nóng 4.000 độ C, bức xạ và sóng nén áp suất cao trong nháy mắt đã làm thành phố 400 năm tuổi tan thành tro bụi; hàng trăm nghìn nạn nhân không thể phân biệt đâu là nam giới, đâu là phụ nữ; những đứa trẻ nằm rên rỉ bên cạnh những người mẹ đã chết hoặc đang chết dần vì vết thương… Cả thành phố là một biển chết. Đó là những mảng hồi ức của người dân Hiroshima vào thời khắc kinh hoàng đó.
Không dừng lại ở đó, nhiều năm sau đó những người được cho là may mắn thoát chết nhưng mang trên mình tàn tích vụ nổ phải sống một cuộc sống đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Bệnh tật giày vò, xã hội xa lánh, phân biệt đối xử, do dân chúng thiếu hiểu biết về các bệnh do phóng xạ. Với họ, 69 năm đã qua đi, nhưng khoảnh khắc khủng khiếp, hãi hùng ấy vẫn là nỗi ám ảnh không có hồi kết.
Còn với toàn nhân loại, ngày mùng 6/8, khi chiếc máy bay chiến lược B-29 đã thả quả bom nguyên tử mang tên “Little Boy”, nặng 5 tấn xuống thành phố Hiroshima, tức khắc thiêu đốt hơn 70 nghìn thường dân, gần như san phẳng thành phố Hiroshima, là thảm họa nguyên tử kinh hoàng nhất trong lịch sử mà chúng ta không được quên và không được phép để xảy ra một lần nữa.
Ba ngày sau, ngày mùng 9/8, quả bom nguyên tử thứ hai mang tên “Fat Man” đã phát nổ trên bầu trời thành phố Nagasaki, giết chết 74 nghìn người. Phần lớn người chết ở cả hai thành phố là thường dân, trong đó khoảng 65% là trẻ em. Ngoài số thương vong tức thì, có hàng chục nghìn người khác cũng đã chết vì các căn bệnh trực tiếp hoặc gián tiếp do phóng xạ gây ra kéo dài cho đến ngày nay.
Những nạn nhân bị thương do sức nổ của bom hạt nhân nằm la liệt.
Đã thành thông lệ, ngày 6/8 hàng năm, người dân Nhật Bản lại tập trung tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima để tưởng nhớ thời khắc Mỹ ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống đây. Những di chứng khủng khiếp vẫn kéo dài cho đến ngày hôm nay khiến buổi lễ tưởng niệm năm nào cũng có ý nghĩa hết sức lớn lao.
Trong suốt 69 năm qua, thảm họa kinh hoàng Hiroshima đã buộc cộng đồng quốc tế phải có những nỗ lực nhằm ngăn chặn không để nó tái diễn. Những thành quả đạt được không phải là nhỏ: Một loạt các hiệp định quốc tế đã được ký kết, tiêu biểu trong số đó như: Hiệp ước về cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (gọi tắt là hiệp ước NPT, được ký năm 1968 và hiện có tới 191 quốc gia tham gia); Hiệp ước về hạn chế tên lửa đạn đạo giữa Mỹ và Liên Xô năm 1972 (hiệp ước ABM); Hiệp ước về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược giữa Mỹ và Nga (hiệp ước START 1 ký năm 1990 và START mới ký năm 2010); Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (hiệp ước CTBT ký năm 1995)… Số lượng các quốc gia sở hữu loại vũ khí khủng khiếp này cũng dừng lại ở con số rất hạn chế. Quan trọng hơn cả, hiện nay phổ biến vũ khí hạt nhân được coi là một trong những nguy cơ có tính toàn cầu trong nhận thức của toàn bộ cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, những nỗ lực này rõ ràng là chưa đủ hóa giải nỗi lo Hiroshima. Ngày càng có nhiều quốc gia coi vũ khí hạt nhân như một phần của chiến lược chiến tranh, chứ không chỉ đơn thuần là biện pháp tự vệ hay răn đe.
Thả đèn lồng tưởng nhớ các nạn nhân bom nguyên tử trên sông Motoyasu
ở Hiroshima ngày 6/8/2013. Ảnh: AFP-TTXVN
Những điểm nóng về hạt nhân chưa được giảm nhiệt, cùng tình hình phức tạp và khó dự đoán bởi nhiên liệu hạt nhân bị phát tán, dẫn đến nguy cơ nguồn nhiên liệu nguy hiểm này có thể rơi vào tay các tổ chức khủng bố và tội phạm quốc tế.
Tháng 3/2012, Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ hai được tổ chức tại Hàn Quốc với sự tham gia của các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của 50 quốc gia trên thế giới. Tại hội nghị, các đại biểu đã bàn về các biện pháp để tăng cường an ninh hạt nhân. Ủng hộ cách tiếp cận này, quan điểm nhất quán của Việt Nam là: Sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình, đồng thời có trách nhiệm và đóng góp thiết thực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm an toàn an ninh, an toàn hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân, thúc đẩy cho một Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.
Mục tiêu “Vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân”chỉ có thể trở thành hiện thực khi những nước đang sở hữu vũ khí hạt nhân phải thể hiện bằng hành động chứ không phải chỉ bằng lời nói.
69 năm đã trôi qua, nhưng nhân loại vẫn không quên những nỗi đau mang tên Hiroshima và Nagasaki. Không được phép lặp lại thảm họa này một lần nữa là trách nhiệm của chúng ta hôm nay.
Người dân Nhật Bản chọn mua hình chim sếu giấy nhiều màu để cầu nguyện
cho các nạn nhân bom nguyên tử tại Công viên Hòa bình thành phố Hiroshima
ngày 5/8/2014. Ảnh: AFP/TTXVN
Nguồn Báo Tin tức - TTXVN