Mặt khác, để bảo đảm tốt chính sách an sinh xã hội trong cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng, nhất là tạo sự bình đẳng trong khám, chữa bệnh... những năm qua Nhà nước đã thực hiện việc hỗ trợ thông qua cấp thẻ BHYT cho các đối tượng: đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi... Chỉ tính 6 tháng đầu năm nay tỉnh ta đã cấp gần 138.140 thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách nêu trên.
Ban quản lý thôn Văn Lâm 3 (Phước Nam, Thuận Nam) trao thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo năm 2014.
Ảnh: Sơn Ngọc
Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để tránh tình trạng cấp trùng thẻ BHYT cho người được thụ hưởng, tránh tình trạng lãng phí cho ngân sách nếu không được kiểm tra, phát hiện và thu hồi như đã xảy ra gần đây trên địa bàn tỉnh với tổng số thẻ cấp trùng trên 21.130, với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng. Việc cấp trùng này rơi nhiều nhất vào 3 đối tượng: người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em dưới 6 tuổi. Nguyên nhân, theo lý giải của ngành chức năng là có quá nhiều ban, ngành đảm nhận việc đề nghị cấp thẻ!. Do vậy, để khắc phục tình trạng đó, ngày 24-4-2014 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 32/2014/QĐ-UBND “Quy định phân cấp quản lý, lập danh sách mua, cấp phát thẻ BHYT cho đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ tiền đóng BHYT trên địa bàn tỉnh”. Có thể nói, với Quy định này đã phân biệt cụ thể từ đối tượng tham gia mua thẻ BHYT đến việc thành lập Hội đồng BHYT cấp xã, quy định việc tổ chức mua, thời gian phát hành thẻ, đơn vị cấp, phát thẻ... Đáng nói là từ nay trách nhiệm của các đơn vị liên quan và chính quyền cơ sở được xác định rõ đến tới trưởng thôn, khu phố. Thế nhưng, theo phản ảnh của lãnh đạo một số địa phương khi đưa Quyết định nói trên vào thực hiện lại... “vướng”. Cụ thể là, tại điểm 2, Điều 5 quy định: “Trách nhiệm của Hội đồng BHYT cấp xã nếu để trùng, để sót hoặc sai đối tượng thì các thành viên trong Hội đồng phải bồi thường quyền lợi của đối tượng phát sinh (chi phí khám chữa bệnh) hoặc bồi thường mệnh giá thẻ BHYT đã mua theo tỷ lệ: Chủ tịch Hội đồng 30%, phần còn lại 70% được chia đều cho các thành viên”. Lý do khó thực hiện là có đến chục đối tượng được thụ hưởng chính sách, trong đó có những đối tượng chính quyền xã không thể quản lý hết như thân nhân quân nhân tại ngũ, thành viên các hộ gia đình nghèo liên tục thay đổi... nên khó tránh khỏi việc thiếu sót, trùng lắp. Có lãnh đạo địa phương còn tâm tư: - Cấp xã, phường thực hiện tất tần tật các chỉ đạo từ Trung ương đến huyện, thành phố; từ việc nhỏ như "cây kim, sợi chỉ" đến những việc “quốc gia đại sự”, trong khi con người thừa hành lại có hạn, thu nhập lại quá thấp... Vậy nên, việc thực hiện chính sách BHYT chỉ là một trong hàng trăm “đầu việc” phải làm nên khó có thể nói sẽ chu tất. “Quyền lợi” chưa thấy đâu không khéo lại phải bồi thường như quy định đã nêu thì đúng là...”vạ đá” thật!.
Tâm tư này mong ngành chức năng và UBND tỉnh sớm có biện pháp tháo gỡ để các Quy định, chính sách… khi đi vào cuộc sống phải thuận cho cấp thi hành đến người người dân thụ hưởng. Đừng để “quýt làm” mà “cam phải chịu” thì e chừng việc thực hiện khó đạt hiệu quả như mong muốn.
Hạ Huyền