Phó Thủ tướng đồng tình với báo cáo của Bộ GDĐT, đặc biệt là thái độ thẳng thắn nhìn nhận những việc chưa làm được như mong muốn của chính ngành Giáo dục cũng như của xã hội từ công tác chỉ đạo điều hành đến vấn đề xóa mù chữ, thực hiện phổ cập đến đổi mới chương trình giảng dạy, thi cử, các cơ chế quản lý.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Để tương lai, để dân tộc được đảm bảo thì phải có một nền giáo dục vững mạnh. Ảnh: VGP/Đình Nam
“Vừa rồi, kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH-CĐ có những đổi mới, về cơ bản được xã hội đồng tình, có những đánh giá đúng mực, có mức độ động viên, góp ý để chúng ta tiếp tục đổi mới. Trên đà đấy, năm nay chúng ta bước vào năm học mới với khí thế tốt hơn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Nhu cầu bức thiết về nhân lực chất lượng cao
Chia sẻ với các đại biểu về yêu cầu bức thiết của tăng trưởng, Phó Thủ tướng cho biết nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới đã chỉ rõ 21 năm qua, Việt Nam tăng trưởng 5,7%, cao thứ hai thế giới. Nhưng nếu để đi theo quỹ đạo về mặt kinh tế của Hàn Quốc, Đài Loan-Trung Quốc thì trong vòng 20 năm tới Việt Nam phải tăng trưởng trung bình 9%, còn nếu chỉ tăng trưởng ở mức 5-6%, thậm chí 7%/năm thì chúng ta sẽ đi theo quỹ đạo của Philippines, Indonesia, Ai Cập.
Và để tăng trưởng cao và liên tục, Việt Nam phải có những ngành sản xuất có giá trị gia tăng lớn, đòi hỏi một nguồn nhân lực có chất lượng cao. Song nhìn từ bậc giáo dục ĐH và dạy nghề của Việt Nam hiện nay, có thể thấy ngành Giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Phó Thủ tướng lấy ví dụ: “Cách đây 10 năm, để đào tạo nhân lực cho một nhà máy của Intel ở TPHCM, cần phải có một chương trình gần như tầm quốc gia. Gần đây, rất nhiều DN trong lĩnh vực công nghệ cao muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng chúng ta vẫn thiếu những người đủ năng lực để họ tuyển dụng. Có những DN có kế hoạch trong 5 năm tuyển 1.500 người nhưng vào Việt Nam 6 tháng chỉ tuyển được mấy chục người nên buộc phải điều chỉnh dự án đầu tư”.
Nhìn vào chất lượng giáo dục phổ thông, đầu vào cho ĐH, CĐ, dạy nghề, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đầu ra của giáo dục phổ thông chưa đạt có phần không nhỏ liên quan đến việc xây dựng kỷ cương và môi trường học đường trong sạch.
“Chúng ta có dám tự tin thầy, cô, học sinh ở trong hệ thống các trường phổ thông hiện nay là đã hoàn toàn gương mẫu, đi đầu chưa? Tôi thấy việc này trong báo cáo của Bộ ít đề cập. Dạy thêm, học thêm còn không? Những khoản đóng góp không hợp lý mang danh là tự nguyện còn không? Xin điểm, chạy điểm còn không? Những cái này có tác động đến việc dạy làm người của các cháu không? Đây là những cái ngành Giáo dục phải giải đáp”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
Theo Phó Thủ tướng, các địa phương, các cơ sở giáo dục có thể xây dựng một môi trường học đường trong sạch từ những việc nhỏ như hát quốc ca, vệ sinh, trực nhật lớp... chứ chưa cần đến đổi mới chương trình, chưa cần đổi mới SGK, chưa cần có những trường lớp đầu tư mấy chục, mấy trăm tỷ đồng.
Ảnh: VGP/Đình Nam
Công nghệ thông tin hỗ trợ đổi mới
Đi vào một số vấn đề cụ thể liên quan đến đổi mới chương trình, SGK, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, ngành Giáo dục không chỉ tiếp cận các chương trình làm SGK của các nước tiên tiến trên thế giới nhanh hơn mà ngay cả trong phương pháp giảng dạy cũng có sự tiếp thu, đổi mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá Bộ GDĐT đã có những bước đi rất cần thiết và quan trọng khi bắt tay với các tập đoàn cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin để xây dựng nền tảng hệ cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục, không chỉ phục vụ cho giáo dục từ xa, mà còn gắn sát với đổi mới chương trình và SGK.
“Do đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học trên quan điểm không nhất thiết Hà Nội sẽ làm tốt hơn miền núi. Không nhất thiết là có nhà tầng thì mới đưa máy tính vào được”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đánh giá cao năm học vừa qua dù chưa có chương trình mới, chưa có SGK mới nhưng nhiều trường học đã đổi mới phương thức dạy học bằng các phong trào trước đây đã có, hoặc bằng công nghệ mới đưa vào và đã đạt được kết quả bước đầu.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ GDĐT cần sớm đưa ra mô hình hệ thống giáo dục lấy ý kiến của các tổ chức, nhà khoa học, xã hội tham gia. Trong đó làm rõ hướng phân hóa, phân luồng vào những năm cuối cấp THPT; liên thông giữa ngạch giáo dục thường xuyên với ngạch giáo dục trong hệ thống phổ thông; giữa cao đẳng lên đại học, giữa các ngành học mang tính hàn lâm với những ngành học có tính ứng dụng có liên thông dọc, liên thông chéo...
Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dụcCho ý kiến về kế hoạch sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề cấp huyện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị phải tính toán kỹ mọi khâu, rất căn bản, đổi mới căn bản, không làm giật cục, đặc biệt quán triệt tư tưởng xã hội hóa mạnh mẽ.
“Chúng ta có 1,2 triệu giáo viên, có những tỉnh đầu tư cho giáo dục chiếm hơn nửa tổng đầu tư. Chúng ta đã tiêu hết khoảng 43.000 tỷ đồng để kiên cố hóa khoảng 60% trường, lớp học nhưng 40% còn lại phải cần trên 50.000 tỷ đồng nữa... Ngành Giáo dục cần rất nhiều đầu tư, cần rất nhiều tiền của nhưng liệu chúng ta có thể bao cấp mãi thế này được không?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
Vì vậy, nếu không hoạch định việc xây dựng cơ sở vật chất cũng như việc sáp nhập các trung tâm dạy nghề, giáo dục thường xuyên trên quan điểm xã hội hóa mạnh mẽ thì mãi không thể nào có đủ tiền để đầu tư cả về cơ sở vật chất lẫn tiền lương để đảm bảo chất lượng đào tạo, chi phí cho giáo dục đúng với nhu cầu.
Nguồn www.chinhphu.vn