Đến ngày 30-6, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 6.467 tỷ đồng, tăng 11,9% so đầu năm; dư nợ cho vay đạt 8.752 tỷ đồng, tăng 9,2%. Đánh giá tổng quan của Chi nhánh NHNN tỉnh cho thấy, thời gian qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã thực hiện tốt các quy định về lãi suất huy động, cho vay… theo chỉ đạo của NHNN. Các TCTD đã đẩy mạnh huy động vốn với tốc độ tăng trưởng cao nhằm bảo đảm khả năng thanh khoản và nhu cầu vốn đầu tư cho nền kinh tế.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Ninh Thuận.
Ảnh: Văn Miên
Đồng chí Lê Văn Cương, Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh, cho biết: “Những tháng đầu năm 2014, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho cao nên khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế chưa cao. Tuy nhiên, nhờ những giải pháp đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, của ngành và tỉnh, các TCTD tiếp tục thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả. Tập trung cho vay đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN. Triển khai thực hiện một số chính sách đặc thù của NHNN thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn…nhờ đó 6 tháng đầu năm dư nợ tín dụng bắt đầu tăng trưởng khá”.
Bên cạnh đó, các TCTD cũng đã thực hiện tốt việc tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, DN vừa và nhỏ, các chương trình trọng điểm của tỉnh, cho vay tiêu dùng cá nhân… để khơi thông nguồn vốn…Cùng với đó là kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ, miễm giảm lãi vay ngắn hạn bằng VND. Hiện lãi vay trong các lĩnh vực trung bình từ 7 - 12%/ năm (kỳ hạn ngắn và trung dài hạn). Trong 6 tháng, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng vay 69 hợp đồng tín dụng với dư nợ 40,1 tỷ đồng. Cho vay ngắn hạn đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên với doanh số 4.086 tỷ đồng. Triển khai thực hiện các chương trình sản phẩm và gói tín dụng hỗ trợ với lãi suất ưu đãi, dự nợ tại thời điểm cuối tháng 6 đạt 3.100 tỷ đồng/21.500 khách hàng, chiếm 41,3% dư nợ của các ngân hàng thương mại cùng thời điểm. Xem xét miễn, giảm lãi vay cho 23 hợp đồng tín dụng với số lãi suất được miễn giảm 577 triệu đồng. Hiện nay trong cơ cấu dư nợ tín dụng, dư nợ lãi suất từ 13% trở xuống chiếm đến 97,65% tổng dư nợ, trong đó dư nợ lãi suất dưới 11% chiếm 72,06% (cuối năm 2013 tương ứng là 95,51% và 53,77%).
Từ những nỗ lực của ngành Ngân hàng, không chỉ tổng dư nợ cho vay đã có sự tăng trưởng ấn tượng như đã nói ở trên, mà quan trọng hơn, đồng vốn tín dụng đã “chảy” vào đúng những lĩnh vực trọng điểm, cần ưu tiên nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Điển hình như, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, thủy sản 2.310 tỷ đồng, tăng 19,11% (trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp-nông thôn đạt 593 tỷ đồng/30.010 khách hàng, tăng 2,24% so cùng kỳ năm trước); dư nợ cho vay công nghiệp-xây dựng 1.759 tỷ đồng, tăng 3,2%; dư nợ cho vay thương mại-dịch vụ-tiêu dùng 4.683 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ… Nguồn vốn tín dụng đã góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng khá, sản xuất các ngành nông nghiệp, dịch vụ, du lịch phát triển ổn định, sản xuất thủy sản tăng cao.
Đồng chí Lê Văn Cương, Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh, cho biết thêm: “Những tháng cuối năm, nhất là sau sự kiện Biển Đông, dự báo tình hình kinh tế vẫn còn rất khó khăn; bám sát chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, bám sát danh mục các dự án kêu gọi đầu tư và nhu cầu vốn phát triển KT-XH của tỉnh để đảm bảo đầu tư tín dụng hợp lý, hiệu quả”.
Theo đó, ngành chỉ đạo các TCTD cần bám sát chủ trương quy hoạch và phát triển KT-XH của tỉnh để có chiến lược và định hướng tín dụng vào những khu vực, những ngành nghề trọng điểm nhằm khai thác được tiềm năng của tỉnh, đảm bảo chất lượng các khoản vay, áp dụng các điều kiện cho vay linh hoạt; đồng thời tăng cường các nguồn vốn khác, đặc biệt là những nguồn vốn ưu đãi, các nguồn tín dụng ưu đãi nước ngoài FDI, ODA... Mở rộng, phát triển mạng lưới TCTD trong tỉnh, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa góp phần tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng;... Chú trọng, tăng trưởng tín dụng kết hợp cho vay phát triển kinh tế với cho vay phục vụ mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Kết hợp đồng bộ giữa chính sách tín dụng ngân hàng với các chính sách khác nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Xuân Bính