Chúng tôi đến thăm gia đình bệnh binh Cao Văn Hiệp, ở khu phố Khánh Chử 2, thị trấn Khánh Hải. Năm 1975, ông tham gia bộ đội, năm 1987, chiến đấu tại chiến trường Campuchia và đến năm 1992, xuất ngũ về địa phương với tỉ lệ mất sức 61%, song bệnh binh Cao Văn Hiệp luôn nỗ lực vượt khó, tích cực tham gia công tác xã hội, xây dựng địa phương ngày thêm giàu đẹp.
Bệnh binh Cao Văn Hiệp tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương.
Năm 1993-1997, với vai trò Chỉ huy trưởng Quân sự thị trấn Khánh Hải, ông giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, thực hiện tốt Luật Nghĩa vụ quân sự. Năm 2006-2010, là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, ông động viên cán bộ, hội viên gương mẫu, đoàn kết, phát huy phẩm chất người lính trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 2012 đến nay, là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam. Ở cương vị nào, ông cũng làm tốt nhiệm vụ của mình, được nhân dân, đồng nghiệp yêu mến, tín nhiệm.
Cũng như bệnh binh Cao Văn Hiệp, ông Nguyễn Văn Thành (70 tuổi), là con trai liệt sĩ Nguyễn Văn Bút, ở thôn An Hòa, xã Xuân Hải là một trong những đối tượng chính sách tiêu biểu tại địa phương. Với vai trò là Trưởng thôn An Hòa (từ 2006 đến 5-2014) ông Thành cùng cộng sự nỗ lực động viên nhân dân phát triển kinh tế, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Từ năm 2012 đến nay, với cách làm hay, ông đã vận động 405 hộ gia đình đóng góp gần 40 triệu đồng, cùng Nhà nước hoàn thành bê-tông 4 tuyến đường giao thông nội thôn với tổng chiều dài gần 1.200m; nạo vét 14 tuyến mương cấp 3 với tổng chiều dài trên 4.200m… Cùng với sự đóng góp tích cực của ông Thành, nhiều năm qua thôn An Hòa có 75% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 100% hộ sử dụng nước sạch sinh hoạt, 98% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,2% (giảm 2,5% so với năm 2013); nhân dân đoàn kết, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Ngoài việc tham gia làm tốt công tác xã hội, khi trở về quê hương, nhiều thương-bệnh binh, người có công với cách mạng tại Ninh Hải còn nỗ lực vượt khó, phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trong lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Điển hình như thương binh hạng 3/4 Nguyễn Văn Hương, ở thôn Khánh Tường, xã Tri Hải. Dù thường xuyên đau ốm vì thương tật, nhưng anh Hương vẫn hăng hái lao động sản xuất, cải tạo 4 sào đất ruộng ven Đầm Vua phát triển nghề muối cho thu nhập mỗi tháng gần 8 triệu đồng, đảm bảo cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Anh Lê Văn Vinh, cán bộ Chính sách-Người có công, Phòng Lao động- Thương binh & Xã hội huyện Ninh Hải, cho biết: Toàn huyện hiện có 2.204 đối tượng, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, trong đó có 44 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 167 thương-bệnh binh, 828 người hoạt động kháng chiến, tù đày… Trở lại cuộc sống thời bình, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều thương - bệnh binh, gia đình chính sách tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực lao động sản xuất, hăng hái tham gia hoạt động đoàn thể tại địa phương... Họ là những tấm gương sáng về lòng yêu nước, những người có công cách mạng tiêu biểu ở địa phương.
Phạm Lâm - Hải Nam