67 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20 quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân những người con ưu tú của đất nước đã hiến dâng sự sống của mình cho Tổ quốc, cho nhân dân ngày càng lan tỏa sâu rộng ở các cấp, các ngành, các địa phương. Điều đó không những thể hiện lòng hiếu nghĩa, bác ái đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước mà còn là tình cảm và trách nhiệm thiêng liêng của mọi người dân Việt Nam.
Bệnh binh Bà Râu Xa ở thôn Giá (Phước Hà) vừa được trao tặng căn nhà tình nghĩa
trong dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ. Ảnh: Sơn Ngọc
Những năm qua, cùng với cả nước, thấm nhuần và tỏa sáng đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh luôn quan tâm thực hiện và thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với người có công, gia đình thương binh, liệt sĩ. Phong trào toàn dân chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Việc xã hội hóa công tác "Đền ơn đáp nghĩa", như: lập quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, ... và nhiều hoạt động tình nghĩa thiết thực trong cộng đồng dân cư đã tô đẹp thêm tình làng nghĩa xóm. Hiện nay, các gia đình chính sách đã cơ bản có nhà ở ổn định, có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình so với người dân nơi cư trú. Công tác chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng cũng được tỉnh quan tâm thực hiện. Các đối tượng đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được chăm lo khi ốm đau, bệnh tật. Ngoài ra, vào các ngày lễ, tết, từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn còn tổ chức đoàn đến thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình…
Toàn tỉnh hiện có trên 6.400 hộ gia đình chính sách, trong đó có 5/194 Bà mẹ VNAH còn sống. Từ năm 2010 đến nay, các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã ủng hộ xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa được hơn 22 tỷ đồng. Cùng với hỗ trợ của Nhà nước và từ các nguồn vận động trực tiếp khác đã xây dựng mới 939 nhà tình nghĩa trị giá gần 14,5 tỷ đồng và sửa chữa 2.317 nhà tình nghĩa với giá trị trên 21tỷ đồng; tặng 52 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá 55 triệu đồng cho các gia đình chính sách khó khăn. Nhiều đơn vị, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp còn nhận đỡ đầu, phụng dưỡng các bà mẹ VNAH, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công … Những việc làm đó đã đem lại điều kiện sống ngày càng tốt hơn tới các gia đình chính sách, đồng thời mang đến ngọn lửa ấm của tình nghĩa, của sự biết ơn và kính trọng đối với sự hy sinh vô giá của các anh hùng liệt sĩ vì nền độc lập, tự do, và toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tạo thêm niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công khắc phục khó khăn, vươn lên bằng ý chí và nghị lực, ổn định cuộc sống và tiếp tục cống hiến sức mình vào sự nghiệp xây dựng quê hương.
Kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay còn là dịp để toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh thể hiện nghĩa tình sâu đậm nhất đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công. Để mãi tỏa sáng đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", mỗi người, mỗi nhà, từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... tỉnh ta hãy tiếp tục làm nhiều việc tốt, thiết thực ghi ơn và tri ân những người đã hy sinh, cống hiến một phần xương máu cho độc lập tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân.
Đó là tình cảm, là trách nhiệm thiêng liêng của từng người, từng tổ chức và toàn xã hội.
NINH THUẬN