Đồng chí Ka - tơ Sơn, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã, cho biết: Khó khăn trong thực hiện xây dựng NTM của xã là “điểm xuất phát thấp”, tuy địa bàn nằm ở trung tâm huyện lỵ nhưng cuộc sống của bà con chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp, còn nhiều khó khăn. Toàn xã có 935 hộ; trong đó, hộ nghèo chiếm trên 50%, nên những đóng góp của người dân để xây dựng NTM cũng chỉ mới dừng lại ở “tấm lòng nhiệt tình” và hiến đất làm đường giao thông. Những tiêu chí đòi hỏi phải có kinh phí để thực hiện hầu như trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước. Đơn cử như tiêu chí thủy lợi đạt vào năm 2013 là nhờ hưởng lợi từ Dự án Hồ chứa nước Sông Sắt. Toàn bộ kinh phí xây dựng hệ thống kênh cấp I, cấp II dài gần 30 km cung cấp nước tưới cho 80% diện tích đất sản xuất là do Nhà nước đầu tư.
Trong quá trình xây dựng NTM, Phước Đại chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Trong ảnh: Anh Ka Giá Thơ, thôn Tà Lú 2 chăm sóc cây mỳ cao sản.
Có thể nói, thuận lợi trong xây dựng NTM của xã Phước Đại là được sự quan tâm đúng mức của các cấp, ngành. Từ năm 2011 đến nay, bằng nguồn vốn Chương trình 30a lồng ghép các Chương trình 135, Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng NTM… nông dân được hỗ trợ nhiều tỷ đồng để thực hiện các mô hình sản xuất mới, như: Mô hình “Bắp lai thương phẩm”, mô hình “Thâm canh lúa nước”, mô hình “Nuôi bò sinh sản”…
Chỉ tính riêng Chương trình 30a, đã hỗ trợ bà con số tiền gần 2,6 tỷ đồng để phục hóa hơn 162 ha đất, tạo 19,5 ha ruộng bậc thang, khai hoang phân tán 165 ha. Không dừng ở đó, vụ hè - thu này, 59 hộ dân ở thôn Tà Lú 1, Tà Lú 2, Ma Hoa, Châu Đắc được hỗ trợ tổng số tiền 200 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 để sản xuất 19 ha lúa theo mô hình “3 giảm, 3 tăng”.
Dồn sức cho phát triển nông nghiệp, nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Mục đích của việc thực hiện các mô hình là nhằm chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhưng do trình độ nhận thức của nông dân còn hạn chế nên đến nay vẫn còn phải “cầm tay chỉ việc”. Nhiều mô hình quy mô nhỏ, manh mún, sau đợt trình diễn không nhân rộng được. Sản xuất kém phát triển, mức sống của bà con chậm được nâng lên, vì thế xã gặp khó khăn trong thực hiện tiêu chí “thu nhập”. Theo số liệu điều tra, mức thu nhập bình quân hiện nay của xã khoảng 4,5 triệu đồng/người/năm, chỉ đạt 35% tiêu chí thu nhập bình quân khu vực nông thôn. Đồng chí Ka-tơ Sơn, phân tích: Để đạt tiêu chí thu nhập vào năm 2020, giải pháp hiện nay là tiếp tục thực hiện các mô hình sản xuất, thành lập hợp tác xã giữ vai trò cung cấp vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học - hỹ thuật, liên kết nông dân lại sản xuất trên quy mô lớn. Đáng mừng là, hiện tại trên địa bàn đã có 1 hộ đang xây dựng trang trại nuôi heo công nghiệp, quy mô 1.000 con; đồng thời, thành lập được HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phước Đại, chính thức hoạt động vào tháng 8 tới.
Riêng từ nay đến cuối năm, xã phấn đấu đạt thêm các tiêu chí: Hình thức tổ chức sản xuất, y tế, giao thông, hệ thống tổ chức chính trị; trong đó, chú trọng tiêu chí giao thông. Toàn xã có gần 20 tuyến đường nội thôn với tổng chiều dài khoảng 17 km, đã bê-tông được 80%. Tháng 8 tới, tiếp tục làm thêm 2 tuyến đường nội thôn Tà Lú 2. Bà con tích cực hưởng ứng, hiến đất, đóng góp công sức làm đường để đẩy nhanh tỷ lệ cứng hóa đường nội thôn. Điều lo lắng nhất trong thực hiện tiêu chí giao thông là 10 km đường nội đồng ở xã chưa được bê - tông. “Chúng tôi đang tiếp tục đăng ký nhu cầu vốn xây dựng cơ sở hạ tầng cho xã điểm” - đồng chí Ka-tơ Sơn, nói.
Anh Tùng