Người có công với cách mạng sẽ được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe

Người có công với cách mạng và thân nhân sẽ được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe, trong đó mức chi đối với chế độ điều dưỡng tại nhà là 1.110.000 đồng/người/lần; mức chi đối với chế độ điều dưỡng tập trung là 2.220.000 đồng/người/lần.

Nội dung quan trọng trên được nêu tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC do liên Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính ban hành; trong đó hướng dẫn chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình đối với người có công với cách mạng và thân nhân; quản lý các công trình ghi công liệt sĩ. 

 
Người có công với cách mạng đang được quan tâm, chăm sóc bằng nhiều
chính sách ưu đãi. Ảnh: Thế Dương

Đối tượng được điều dưỡng phục hồi sức khỏe mỗi năm một lần gồm: người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; cha đẻ, mẹ đẻ chỉ có một con mà người con đó là liệt sĩ hoặc cha đẻ, mẹ đẻ có hai con là liệt sĩ trở lên; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và thương binh loại B, bệnh binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do ảnh hưởng của chất độc hóa học từ 81% trở lên; người có công giúp đỡ cách mạng được Nhà nước tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước”.

Đối tượng được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần gồm: cha đẻ, mẹ đẻ của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; vợ hoặc chồng của liệt sĩ; con liệt sĩ bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật dưới 81%; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do ảnh hưởng của chất độc hóa học dưới 81%; người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

Theo Thông tư, thời gian một đợt điều dưỡng từ 5 đến 10 ngày, không kể thời gian đi và về. Trong đợt điều dưỡng tập trung, vì lý do khách quan, đối tượng ở dưới 30% thời gian một đợt điều dưỡng thì Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định đi điều dưỡng vào đợt kế tiếp; trường hợp ở từ 30% thời gian trở lên trong một đợt điều dưỡng thì không được thanh toán số tiền điều dưỡng còn lại. Ngoài ra, trong thời gian điều dưỡng tập trung nếu đối tượng bị ốm đau phải cấp cứu thì được giới thiệu và đưa đi điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất theo chế độ bảo hiểm y tế hiện hành.

Đối với chế độ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, Thông tư quy định rõ nguyên tắc: cấp tiền để đối tượng mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình. Mức tiền cấp mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình (bao gồm cả tiền mua vật phẩm phụ, bảo trì phương tiện) theo phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều chỉnh căn cứ vào khả năng ngân sách nhà nước có tính đến yếu tố trượt giá.

Việc cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình (bao gồm cả tiền mua vật phẩm phụ, bảo trì phương tiện) cho cả niên hạn sử dụng được thực hiện cùng một lần.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/7/2014.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam