Chung tay thực hiện “Đền ơn đáp nghĩa”
Huyện Thuận Nam hiện có gần 2.500 đối tượng, gia đình chính sách, người có công với nước, trong đó có 38 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 499 liệt sĩ, 231 thương, bệnh binh… Ngoài việc triển khai thực hiện kịp thời, đúng, đủ những chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành và tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện đều luôn nỗ lực với những chương trình, hành động thiết thực nhằm quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công cách mạng.
Lãnh đạo huyện Thuận Nam biểu dương đối tượng chính sách, người có công tiêu biểu năm 2012.
Điển hình như phong trào nhận đỡ đầu, chăm sóc người có công của các ngành và các tổ chức hội, đoàn thể. Mỗi lần về thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hự ở thôn Lạc Nghiệp (xã Cà Ná), chúng tôi lại được nghe Mẹ kể lại những “người con” luôn làm ấm lòng Mẹ hôm nay, đó là những cán bộ, chiến sĩ của Ban CHQS huyện Thuận Nam – đơn vị nhận chăm sóc, đỡ đầu Mẹ. Những món quà nhỏ nhưng ấm áp nghĩa tình vào mỗi dịp lễ, tết, những chuyến ghé thăm thường xuyên bằng sự kính trọng và những lời hỏi thăm ân cần… chính là món quà quý giá với những người đã phải đi qua và gánh chịu bao mất mát từ chiến tranh như Mẹ.
Là địa phương có truyền thống cách mạng với những tên đất, tên người đã đi vào lịch sử cộng với việc làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, những năm gần đây công tác Đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn huyện Thuận Nam đang từng bước được đẩy mạnh xã hội hoá. Từ những học sinh cấp I, cấp II đã biết “nuôi heo đất” để tham gia phong trào “Áo lụa tặng bà”, đến những người cao tuổi vẫn tích cực động viên con cháu ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”… Điều đáng trân trọng là ở những địa phương tuy còn khó khăn, nhiều gia đình cuộc sống còn vất vả nhưng vẫn luôn nhiệt tình ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở địa phương, sẵn sàng thu xếp công việc gia đình để đóng góp ngày công, vật liệu tham gia cùng chính quyền, đoàn thể xây dựng, sửa chữa nhà ở cho thương- bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công cách mạng. Đồng chí Trần Đức Long, Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Thuận Nam, cho biết, “Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm huyện vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 100 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công với nước. Việc huy động và sử dụng Quỹ được thực hiện hiệu quả, không chỉ là những hỗ trợ thiết thực cho các đối tượng chính sách mà còn góp phần củng cố niềm tin trong xã hội, để nhân dân trong huyện ngày một đồng lòng chung tay thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.
Sự nỗ lực, vượt khó của các đối tượng chính sách, người có công
Gần 2.500 đối tượng, thân nhân, gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện Thuận Nam cũng như hàng vạn, hàng triệu đối tượng chính sách, người có công trên cả nước đã phải gánh chịu nhiều đau thương, mất mát cả về thể xác lẫn tinh thần. Họ là những người mẹ mỏi mòn trông ngóng tin con, là những thương – bệnh binh đã để lại chiến trường một phần xương thịt và mang trên mình những vết thương… Nhưng trở về với cuộc sống thời bình, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều người đã tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của mình, nỗ lực vượt khó vươn lên trong mọi hoàn cảnh, chiến thắng bệnh tật để lao động sản xuất và hăng hái tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương… tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương. Mỗi căn nhà tình nghĩa được xây dựng và sửa chữa, ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm… còn là sự nỗ lực không nhỏ của chính các đối tượng chính sách, người có công và gia đình. Không chỉ vậy, nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công còn tích cực học hỏi, đầu tư sản xuất để không những có cuộc sống ổn định, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình mà còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tiền của để giúp đỡ người khác. Những câu chuyện giản dị, đời thường mà đáng trân trọng như thương binh hạng 3 trên 4 Nguyễn Ngọc Anh, thôn Lạc Nghiệp 1 (xã Cà Ná) dẫu chỉ còn một cánh tay vẫn hăng hái sản xuất, làm chủ cả vườn cây ăn trái tốt tươi để gia đình “có của ăn của để”... những tấm gương sáng về lòng yêu nước, sự kiên cường, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Bích Thủy