Theo chân chị Trần Thị Thanh Xuân, cán bộ phụ trách công tác Lao động – Thương binh và Xã hội xã Phước Diêm, chúng tôi đến làng biển Lạc Tân 2 và may mắn gặp được thương binh Trần Đào vừa trở về sau một chuyến bám biển dài ngày.
Thương binh Trần Đào.
Người thương binh hạng 3 trên 4 đã bước vào tuổi 50, vẫn với giọng nói sang sảng, mộc mạc của người dân xứ biển, mở đầu câu chuyện của mình bằng kỷ niệm những ngày mới trở về từ chiến trường Campuchia. Sinh ra và lớn lên ở làng biển Lạc Tân, từ nhỏ, cũng như bao người thanh niên khác của làng đã được làm quen với sóng, gió và những chuyến ra khơi. Năm 1984, thực hiện nghĩa vụ của một công dân, ông lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Biển cả và những chuyến ra khơi theo cha từ nhỏ cùng với sức mạnh của một dân chài đã cho ông có thêm sự gan dạ, ý chí kiên cường. Ngay cả khi bị thương nặng, phải cắt bỏ một chân nhưng anh bộ đội Trần Đào vẫn lạc quan, nỗ lực cố gắng chống chọi để không trở thành gánh nặng của đồng đội ở chiến trường.
Năm 1985, ông trở về làng biển của mình với một chiếc chân giả và những vết thương nhức nhối trên cơ thể. Nhớ lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Đào đã vượt lên nỗi đau, mất mát của bản thân, ngày ngày kiên trì rèn luyện sức khỏe để tiếp tục gắn bó với nghề đi biển của cha ông truyền lại. Những ngày đầu tiên trở lại biển với đôi chân khập khiễng và những vết thương chưa quen sóng gió đã làm cho ông vô cùng khó khăn. “Lúc đó, tôi nghĩ sức mình có hạn nên cũng không dám mua sắm thiết bị, cải hoán tàu thuyền để ra khơi, chỉ đánh bắt gần bờ cho qua ngày” - Ông Đào chia sẻ. Nhận thấy không thể cứ tiếp tục chỉ biết đến nguồn lợi trước mắt, không thể chỉ sử dụng các phương tiện đánh bắt nhỏ lẻ, để kiếm sống qua ngày, năm 2000, ông bàn với gia đình mạnh dạn dành hết số tiền tiết kiệm được và vay mượn thêm để đầu tư đóng tàu mới công suất 250CV, mua sắm thêm trang thiết bị, quyết tâm vươn khơi xa. Hiện nay, thuyền cá do ông làm chủ đã thường xuyên có những chuyến ra khơi dài ngày, đánh bắt ở những ngư trường xa và tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho 10 lao động ở địa phương. Ông chia sẻ: “Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương trên người đau nhức; chiếc chân giả bước đi khập khiễng cũng gây không ít khó khăn, rắc rối trong những chuyến đi dài ngày giữa biển cả mênh mông… nhưng như đã được sinh ra từ biển, có ân tình với biển nên còn sức khỏe thì tôi vẫn còn kiên trì bám biển".
Là một ngư dân, trong câu chuyện của mình, thương binh Trần Đào vẫn liên tục bày tỏ sự bức xúc, phẩn nộ trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép và có những hành động gây hấn trong vùng lãnh hải nước ta. Ông cho rằng, hành động ngang ngược đó của Trung Quốc càng thúc giục những ngư dân như ông phải càng vững vàng, ra khơi khai thác hải sản, bảo vệ chủ quyền vùng biển Tổ quốc mình. Dù không còn đủ sức khỏe để ra tận Hoàng Sa, Trường Sa nhưng ông Đào quả quyết: “Tôi cũng như bà con ngư dân khác luôn sẵn sàng ủng hộ, tiếp thêm sức mạnh cho bà con ngư dân, cán bộ, chiến sĩ của mình đang đánh bắt và làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Bích Thủy