Phiên họp thứ 5 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

Sáng 9/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) họp phiên thứ 5 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban, nhằm đánh giá tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm và xác định nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Tại Phiên họp lần này, Ban Chỉ đạo đã nghe báo cáo và thảo luận về các dự thảo: tình hình, kết quả công tác PCTN 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2014 của Ban Chỉ đạo; Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp tại một số địa phương theo Kế hoạch số 08-KH/TW ngày 12/3/2008 của Bộ Chính trị; Kế hoạch Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN tại một số cơ quan, tổ chức Trung ương; Báo cáo tóm tắt tiến độ điều tra, truy tố, xét xử và khó khăn, vướng mắc của 12 vụ án, 6 vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp do Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Báo cáo tình hình, kết quả công tác PCTN 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2014 của Ban Chỉ đạo do đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trình bày cho biết những kết quả cụ thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo nói chung, từng thành viên nói riêng.

Nhìn lại hoạt động 6 tháng đầu năm 2014, Ban Chỉ đạo tiếp tục giữ được nền nếp hoạt động và ngày càng bài bản hơn. Đã tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN, được cán bộ, đảng viên, nhân viên và dư luận xã hội đánh giá cao, được dư luận quốc tế quan tâm, đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu trong việc thực hiện việc PCTN. Sau Hội nghị toàn quốc, nhiều Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai công tác PCTN ở địa phương mình theo Kết luận Hội nghị toàn quốc, nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã chính thức phân công đồng chí Bí thư cấp ủy các cấp trực tiếp phụ trách công tác PCTN.

Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp tục chỉ đạo Ban Nội chính Trung ương trong việc củng cố ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy, kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn để công tác nội chính các tỉnh ủy, thành ủy nhanh chóng đi vào nền nếp, tham mưu có hiệu quả cho các ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trong công tác PCTN.

Trên cơ sở kết quả của 7 đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đầu năm 2014, Ban Chỉ đạo đã quyết định bổ sung 45 vụ án, 23 vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào diện ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc và các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý.

Công tác chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng quyết liệt hơn, có bước chuyển biến tương đối rõ nét, nhất là trong việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Trong 6 tháng đầu năm, đã chỉ đạo đưa ra xét xử được 3 phiên tòa sơ thẩm (Vũ Việt Hùng, Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên), 2 phiên tòa phúc thẩm (Dương Chí Dũng, Vũ Quốc Hảo).

Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, nhất là các đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong việc chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng có khó khăn, vướng mắc hoặc có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tố tụng.

Chỉ đạo Ban Nội chính Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan chuẩn bị và đã trình Ban Bí thư để ban hành các quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với các cơ quan (công an, kiểm sát, tòa án, Ủy ban Kiểm tra Trung ương… ) trong công tác PCTN.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 3.576 cuộc thanh tra hành chính và 77.940 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 10.173 tỷ đồng; 1.020 ha đất; kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước 4.857 tỷ đồng và 357,8 ha đất; xử lý vi phạm hành chính gần 1.547 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 513 tập thể và 1.006 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 24 vụ việc và 36 người. Qua thanh tra phát hiện 23 vụ, 32 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 68,5 tỷ đồng; đã thu 46,7 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Cục thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, kết quả khởi tố, điều tra, truy tố xét xử các vụ án tham nhũng từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/5/2014, cơ quan điều tra trong cả nước đã khới tố 102 vụ/198 bị can về các tội tham nhũng; Viện Kiểm sát các cấp đã truy tố 122 vụ/277 bị can về các tội tham nhũng; Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 84 vụ/217 bị can về các tội tham nhũng.

Đối với các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tập trung điều tra, truy tố và kịp thời đưa ra xét xử sơ thẩm 3 vụ; xét xử phúc thẩm 1 vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, hoạt động của Ban Chỉ đạo 6 tháng qua cũng còn một số tồn tại. Đó là công tác xây dựng thể chế, công tác tuyên truyền còn hạn chế, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo hoạt động chưa đều tay, chưa phát huy được hết khả năng, thế mạnh để tạo sức mạnh tổng hợp cho Ban Chỉ đạo; chưa tổ chức được nhiều cuộc họp, hội ý của các đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo; của đồng chí Thường trực Ban Bí thư với các đồng chí phụ trách công an, tòa án, kiểm sát…

Trong 6 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế về PCTN theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI); rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan tới công tác PCTN cho phù hợp Hiến pháp 2013. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN, các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động và các văn bản liên quan đến công tác PCTN. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về PCTN và chuẩn bị các nội dung tổng kết công tác năm 2014, đề ra nhiệm vụ công tác năm 2015 của Ban Chỉ đạo…

Phát biểu kết luận Phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN nhấn mạnh những kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo cũng như những mặt còn hạn chế cần khắc phục và khẳng định tác dụng quan trọng sau Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN.

Tổng Bí thư khẳng định, qua công tác của Ban Chỉ đạo 6 tháng đầu năm, có thể rút ra một số kinh nghiệm, đó là: Nên tổ chức hội ý, trao đổi thường xuyên hơn để nắm thông tin và chỉ đạo kịp thời những vụ việc đột xuất. Ban Nội chính Trung ương – cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cần chủ động hơn trong việc đề xuất việc tổ chức các hội nghị, các cuộc trao đổi. Thực hiện thường xuyên và linh hoạt các cơ chế làm việc mà Ban Chỉ đạo đã thông qua (Ban Chỉ đạo – Thường trực Ban Chỉ đạo – đồng chí Thường trực Ban Bí thư – cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo). Qua hoạt động thực tiễn và nắm bắt tình hình, các thành viên Ban Chỉ đạo cần chủ động đề xuất những công việc, những vấn đề nảy sinh cần có sự chỉ đạo kịp thời của Ban Chỉ đạo, của Thường trực Ban Chỉ đạo. Làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan trong việc tổ chức công việc, bám sát thực tế, với tinh thần chủ động, quyết liệt, không để bỏ sót việc, quên việc.

Nhất trí với những đánh giá, phân tích, thảo luận của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo về tình hình 6 tháng cuối năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác PCTN sắp tới vẫn rất gian nan, phức tạp và hết sức khó khăn, vẫn còn nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự kiên trì, kiên quyết, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của Ban chỉ đạo. Sau Hội nghị toàn quốc, cần phát huy kết quả của Hội nghị, cần tạo ra khí thế, quyết tâm mới, dứt khoát không buông lơi, không để xảy ra tình trạng “im ắng”.

 

Ban Chỉ đạo Trung ương đã nhất trí bổ sung 2 vụ án vào diện theo dõi, chỉ đạo.
(Ảnh: dangcongsan.vn)

Nhất trí với 8 nội dung nêu trong báo cáo về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Tổng Bí thư yêu cầu, Ban Chỉ đạo cần tập trung vào một số công việc trọng tâm: Thành lập 4 đoàn công tác để tiến hành kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nghiêm trọng, phức tạp ở 8 địa phương (như Ban Chỉ đạo vừa nhất trí thông qua). Thực hiện tốt Kế hoạch thành viên Ban Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN tại một số cơ quan, tổ chức ở Trung ương, Ban Chỉ đạo phân công 7 đồng chí thành viên tiến hành kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN tại 7 bộ, ngành Trung ương. Tiếp tục theo dõi tiến độ điều tra, truy tố, xét xử của 14 vụ án, 6 vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo nhưng còn khó khăn. Tập trung chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý, xét xử các vụ án. Tiếp tục các công việc thường xuyên như chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách PCTN; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về PCTN gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường chỉ đạo công tác PCTN ở các địa phương, Ban Nội chính Trung ương tiếp tục hướng dẫn theo ngành dọc, đi sâu, đi sát nắm bắt tình hình các địa phương.

Tổng Bí thư yêu cầu cần tiếp tục đổi mới phong cách làm việc, hoạt động của Ban Chỉ đạo của cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, của mỗi thành viên Ban Chỉ đạo, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tăng cường phối hợp, trao đổi để giải quyết các vấn đề, từng đồng chí cần chủ động giải quyết công việc của mình, báo cáo, đề xuất kịp thời khi có vướng mắc./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam