Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội
và Ủy ban Dân tộc về chính sách dân tộc. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Theo Báo cáo kết quả rà soát chính sách dân tộc giai đoạn 2006-2014 của Ủy ban Dân tộc, hiện nay có 130 chính sách dân tộc được thể hiện qua 177 văn bản tại 37 Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ và 140 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Ủy ban dân tộc quản lý 9 chính sách và các bộ, ngành quản lý 121 chính sách. Ngoài ra, các địa phương đã chủ động thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước bằng việc ban hành các chủ trương, chính sách riêng phù hợp với địa bàn. Nguồn lực được bố trí thực hiện các chính sách vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2012 là 150.000 tỷ đồng.
Chính sách dân tộc hiện nay là khá đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực và phủ kín các địa bàn dân tộc và miền núi. Cơ chế, chính sách đã từng bước thay đổi về quan điểm, tư duy, phân cấp cho địa phương trên cơ sở công khai, minh bạch trong công tác xây dựng và lập kế hoạch, từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ chuyển dần sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ, từ cho không chuyển sang cho vay.
Các chính sách được quan tâm phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, vai trò của người dân và đối tượng thụ hưởng được phát huy, tạo được sự đồng thuận từ Trung ương đến địa phương trong các khâu xây dựng, thực hiện, kiểm tra và đánh giá chính sách. Ngân sách Nhà nước tuy còn khó khăn nhưng Nhà nước đã ưu tiên bố trí nguồn lực kết hợp với nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và địa phương để hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc và miền núi. Điển hình như Chương trình 135, nội dung chính sách gồm đủ các hợp phần đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng, hỗ trợ phát triển, trợ giúp pháp lý cho người dân, bảo tồn văn hóa và hỗ trợ học sinh thuộc hộ nghèo; thu hút được sự tham gia hỗ trợ của 7 tổ chức quốc tế với gần 400 triệu USD.
Trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, cùng với các chính sách hiệu quả khác, riêng chính sách cử tuyển từ năm 1999 đến nay đã cử tuyển được trên 19.700 học sinh dân tộc thiểu số vào các trường đại học và cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, qua đó góp phần thiết thực trong bổ sung nguồn nhân lực cho vùng dân tộc và miền núi.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hệ thống chính sách dân tộc đã được chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả và thu được những thành quả quan trọng: Bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi được thay đổi rõ nét, nhất là hạ tầng kinh tế-xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi giảm nhanh 3-4%/năm; lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa có bước phát triển tích cực; khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường…
Bên cạnh những kết quả đạt được, vùng dân tộc và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế: Đây vẫn còn là vùng khó khăn nhất, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, giảm nghèo chưa bền vững; cơ sở hạ tầng còn yếu kém; chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi thấp; tình trạng du canh du cư, chặt phá rừng, hoạt động tôn giáo trái pháp luật có nơi diễn biến phức tạp…
Ý kiến phát biểu của các lãnh các bộ, ngành tại buổi làm việc đã chỉ ra những nguyên nhân chủ quan và khách quan của những hạn chế, yếu kém của vùng dân tộc và miền núi như xuất phát điểm về kinh tế-xã hội thấp so với mặt bằng chung; đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở địa bàn vùng núi cao, độ dốc lớn, thường xuyên xảy ra thiên tai; cơ sở hạ tầng yếu kém; nước ta mặc dù đã có gần 30 năm đổi mới, nhưng thể chế quản lý Nhà nước nói chung và hệ thống chính sách dân tộc nói riêng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và tiếp tục đổi mới; nhận thức về công tác dân tộc, vị trí, vai trò của vùng dân tộc và miền núi trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa sâu sắc; việc khai thác các tiềm năng, lợi thế của vùng hiệu quả chưa cao…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với lãnh đạo các bộ về chính sách dân tộc.
(Ảnh: Chinhphu.vn)
Lãnh đạo một số Bộ như Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Tư pháp, Xây dựng… đề xuất cần tiếp tục nâng cao nhận thức, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và chỉ đạo triển khai chính sách dân tộc; xây dựng chính sách dân tộc theo hướng dài hạn, đa ngành, đa lĩnh vực, đa mục tiêu; duy trì các chính sách còn hiệu lực có hiệu quả và rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách bất cập, không phù hợp; quan tâm hơn nữa tới đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc, nhất là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện; hỗ trợ vốn cho đồng bào phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng dân tộc và miền núi với các vùng miền khác trong cả nước; chú trọng công tác hỗ trợ pháp lý cho đồng bào…
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền cho đồng bào về pháp luật, bảo vệ môi trường sinh thái; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, có chất lượng cao, giải quyết việc làm cho lao động vùng dân tộc và miền núi; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp trong cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số vào học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chính sách dân tộc, công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước là vấn đề mang tính chiến lược; có ý nghĩa chính trị, vị trí đặc biệt quan trọng; là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và cũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, không có bộ, ngành, địa phương nào là không có trách nhiệm đối với công tác này. Kết quả thực hiện chính sách dân tộc góp phần quyết định tới sự ổn định và phát triển của đất nước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sự phát triển bền vững của đất nước có được phải dựa trên nền tảng lòng dân.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các chủ trương được đề ra về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước thời gian quan là hết sức đúng đắn và phù hợp, sớm được cụ thể hóa và đi vào thực tiễn cuộc sống, qua đó đã mang lại những kết quả tích cực, làm cho diện mạo vùng dân tộc và miền núi không ngừng được thay đổi. Những nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt là những kết quả về giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, được Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ cần nghiêm túc nhìn nhận, tập trung giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển vùng dân tộc và miền núi, như tỷ lệ hộ nghèo còn cao; còn một bộ phận đồng bào thiếu đất sản xuất, điều kiện sản xuất khó khăn, trình độ canh tác, hiệu quả sản xuất thấp; y tế, giáo dục-đào tạo còn kém phát triển, trình độ dân trí thấp; cơ chế phối hợp trong thực hiện chính sách dân tộc nhiều lúc còn chưa hiệu quả…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức về công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; quan tâm, chăm lo thực hiện công tác dân tộc bằng tất cả quyết tâm của mình, bằng các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể, hiệu quả để làm tốt hơn nữa công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Cùng với đó, cần tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện có, đặc biệt là chính sách cho vay, hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; đồng thời lưu ý rà soát, bổ sung hoặc đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với công tác dân tộc theo hướng đi thẳng vào khắc phục, xử lý những hạn chế, yếu kém, vướng mắc, bất cập còn tồn tại; huy động, tính toán bố trí tối đa nguồn lực, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện chính sách dân tộc.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cũng đã xem xét, cho ý kiến đối với các kiến nghị, đề xuất liên quan đến chính sách dân tộc như việc bố trí kinh phí cho các chính sách đang thực hiện ở vùng dân tộc và miền núi năm 2014 và 2015; việc xây dựng chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; những vấn đề về cơ chế quản lý điều hành đối với chính sách dân tộc…
Nguồn www.chinhphu.vn