Thực tế không thể phủ nhận là xích lô trẻ em thu hút khá nhiều khách hàng, đặc biệt là đối tượng “nhí”. Đây vừa là hoạt động thể dục – giải trí lành mạnh, vừa tạo niềm vui cho các thành viên trong gia đình. Thường xuyên đưa con đến công viên biển Bình Sơn– Ninh Chử để đi xe xích lô, chị Trần Thị Kim Tiến (khu phố 6, phường Mỹ Đông) tâm sự: Các con tôi rất thích trò chơi trò này, mỗi tuần tôi đưa các cháu đến chơi 3, 4 lần. Là trò chơi vận động của trẻ nhưng người lớn cũng có thể tham gia, giá cả lại rất mềm và không gian thoáng mát nữa.
Xe xích lô trẻ em.
Khi hoạt động kinh doanh này “ăn nên làm ra”, lượng người tập trung về các địa điểm công cộng ngày càng nhiều, kéo theo hàng loạt dịch vụ ăn uống, giải trí khác. Đây là "quy luật" dễ hiểu, cũng là nhu cầu chính đáng của nhân dân. Tuy nhiên, vui chơi, ăn uống như thế nào tại những nơi công cộng để đảm bảo văn hóa, văn minh lại là chuyện thuộc về ý thức của mỗi cá nhân. Để lặp lại trật tự tại các địa điểm công cộng, UBND Tp.Phan Rang – Tháp Chàm đã triển khai lực lượng bảo vệ nhắc nhở người dân, siết chặt các hành vi làm mất mỹ quan đô thị tại Quảng trường 16 Tháng 4, Nhà bảo tàng Ninh Thuận,…. Hoạt động kinh doanh dịch vụ xích lô trẻ em cũng bị “siết”. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng triển khai, cả lực lượng bảo vệ và các hộ kinh doanh đều thấy…“khó”.
Theo văn bản số 583/UBND-TH ngày 2-6-2014 của UBND Tp.Phan Rang – Tháp Chàm về việc “hoạt động kinh doanh dịch vụ xe xích lô trẻ em, xe đạp đôi trên địa bàn thành phố”, chủ kinh doanh dịch vụ xe xích lô trẻ em “tự liên hệ địa điểm hoạt động theo quy định của pháp luật” và “nghiêm cấm tuyệt đối loại phương tiện này tham gia hoạt động kinh doanh ở các khu vực không gian công cộng (các trục đường, bãi tắm, vỉa hè, lòng đường giao thông, khu vực Quảng trường – Tượng đài – Nhà bảo tàng, công viên, hồ điều hòa, biển Bình Sơn – Ninh Chử,…) trên địa bàn thành phố”. Anh Phan Minh Huy, Tổ phó Tổ bảo vệ khu vực Quảng trường 16 Tháng 4 giãi bày: Khi đến nhắc nhở và yêu cầu các hộ kinh doanh không hoạt động trong phạm vi cấm, chúng tôi bị “phản ứng” rất gay gắt, nhiều người còn có lời lẽ thách thức. Sau đó, họ dạt về phía công viên 2 bên hông tượng đài. Khi có xe trật tự đô thị đến thì các hộ này kéo xe chạy ra khỏi phạm vi cấm, chờ lực lượng chức năng đi khỏi thì lại kéo vào.
Được biết, hiện có gần 20 hộ kinh doanh dịch vụ này. Mỗi chiếc xe xích lô có giá từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng tùy vào chất liệu và thiết kế. Mỗi hộ kinh doanh có từ 15 – 20 chiếc, vốn ban đầu từ 50 – 100 triệu đồng. Sở hữu 21 chiếc xe xích lô trẻ em hoạt động kinh doanh tại khu vực công viên bên hông Tượng đài Chiến thắng, ông Nguyễn Lập (phường Kinh Dinh) cho biết: Với giá cho thuê xe là 30.000 đồng/giờ, tổng thu nhập mỗi đêm trung bình khoảng 200.000 đồng. Trong khi đó, chi trả các khoản sửa chữa xe, điện sạc bình ắc-quy, công phụ trông coi xe, tiền thuê nhà gửi xe 700.000 đồng/tháng,…
Tìm hiểu tâm tư của các chủ kinh doanh dịch vụ này, chúng tôi nhận được ý kiến mong muốn chính quyền địa phương quy hoạch khu vực kinh doanh cụ thể, để họ được làm ăn chính đáng chứ không phải “phập phồng lo sợ” như hiện nay. Họ sẵn sàng đóng thuế, ký cam kết đảm bảo an ninh trật tự, ATGT và vệ sinh môi trường cũng như chịu sự quản lý của ngành chức năng. Hiện tại, một số hộ kinh doanh đã “di chuyển” về trung tâm các huyện để tiếp tục hoạt động hoặc sang nhượng lại xe xích lô trẻ em cho những người có nhu cầu. Trong khi phần đông hơn vẫn cố bám trụ địa điểm kinh doanh hiện tại, mong chờ một phương án khác từ phía chính quyền thành phố.
Nguyên Hạ