Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 5-7

* Sự kiện

- Ngày 5-7-1885: Quân Đại Nam tấn công đồn Mang Cá. Tại góc Đông Bắc kinh thành Huế, bên ngoài cửa Trần Bình có một vòng thành riêng xây dựng từ năm Gia Long thứ 4 (1805) gọi là đài Thái Bình, đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832), đổi thành Trấn Bình đài, dân gian gọi là đồn Mang Cá. Ngày 5-7-1885, Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn chỉ huy hơn 20 nghìn quân tập kích vào đồn Mang Cá, tấn công 1.400 quân Pháp. Quân Pháp mất 4 sĩ quan và trên 60 lính. Do sự chuẩn bị chưa đầy đủ nên khi quân Pháp phản công, quân ta bị thiệt hại rất lớn.Tôn Thất Thuyết phải đưa xa giá vua Hàm Nghi rời kinh thành đi ra Quảng Trị, nơi từ lâu ông đã chuẩn bị cơ sở. Tại đây, ngày 13-7-1885, vua Hàm Nghị hạ chiếu Cần Vương lần thứ nhất, nêu lại sự kiện “sự biến kinh thành”, hô hào dân chúng phò vua cứu nước.

- Ngày 5-7-1951: Trong bài “Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta” đăng trên Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Thi đua ái quốc nhằm ba mục đích: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức là làm cho nhân dân no ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do. Muốn đạt được mục đích ấy, người người phải thi đua, ngành ngành phải thi đua. Ai làm việc gì, nghề gì cũng thi đua làm cho nhanh, cho tốt, cho nhiều. Chiến sĩ thì thi đua diệt giặc lập công, đồng bào thì thi đua tăng gia sản xuất... Kết quả tuy còn nhỏ, nhưng nó như con én báo hiệu mùa xuân. Nó là cái đà cho kết quả to lớn sau này”.

- Ngày 5-7-1995: Phát động phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.Thể hiện truyền thống tình cảm và đạo lý của dân tộc "Uống nước nhớ nguồn", lời dạy của Bác Hồ phải "Ðền ơn, đáp nghĩa", Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã xây dựng và ngày càng hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.Trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, song hằng năm Nhà nước vẫn chủ động dành hàng nghìn tỷ đồng từ ngân sách bảo đảm đời sống hàng triệu người có công trong cả nước...

- Ngày 5-7-2000: Chính phủ phê duyệt Dự án xây dựng đại lộ Đông - Tây Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Quyết định số 622/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đại lộ Đông - Tây là công trình trọng điểm trong hệ thống hạ tầng giao thông đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng chiều dài 22km. Riêng đường hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn có tổng chiều dài 1.490m. Đại lộ có điểm đầu là Nút giao Tân Kiên - Bình Chánh, điểm cuối là Nút giao Cát Lái quận 2, trải qua địa bàn 8 quận, huyện. Tổng nguồn vốn đầu tư 16.000 tỷ đồng, tương đương với 762 triệu USD. Dự án được khởi công vào tháng 1-2005. Đến ngày 2-9-2009, thông xe giai đoạn 1 dự án đại lộ Đông - Tây, ngày 20-11-2011, thông xe hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến Đại lộ Đông - Tây.

- Ngày 5-7-2006: Bộ Văn hóa Pháp trao danh hiệu “Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn chương của Pháp” cho nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh. Bà là nhà thiết kế Việt Nam đầu tiên được nhận danh hiệu này. Bà đã có nhiều thành quả vinh quang trong sự nghiệp thiết kế của mình. Bà từng đoạt giải ở cuộc thi thiết kế Makuhari Grand Prix tại Nhật. Bà cũng là nhà thiết kế Việt đầu tiên vinh dự giới thiệu 100 mẫu áo dài tại đền Kiyomizu Dera, nơi chưa từng có ai có cơ hội được trình diễn tại đây kể cả giới thiết kế Nhật Bản. Ngoài ra, mẫu trang phục của bà còn được trưng bày tại Bargoin - bảo tàng nghệ thuật đẹp nhất ở Pháp... Bà cũng là người góp công đầu trong việc quảng bá hình ảnh tà áo dài Việt Nam ra toàn thế giới.

* Nhân vật:

- Ngày 5-7-2009: Ngày mất Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há. Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh năm 1911 tại Mỹ Tho (Tiền Giang). Bà được coi là vị tổ cuối cùng của nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Bà diễn vở đầu tiên “Hoàng Phi Hổ quy châu” khi mới 13 tuổi sau đó, là các vai chính trong “Kim Vân Kiều”, “Tái sanh duyên”, “Đời cô Lựu”... NSND Phùng Há được nhiều khán giả, bạn bè và người dân yêu mến bởi những đóng góp to lớn trong nghệ thuật và tấm lòng cao đẹp trong đời sống. Bà là người sáng lập nên Viện dưỡng lão nghệ sỹ ở quận 8 và chùa Nghệ sỹ ở quận Gò Vấp Thành phố Hồ Chí Minh để chăm lo, nuôi dưỡng các nghệ sỹ già yếu, neo đơn... 

Theo TTXVN