Quyết định trên được chính quyền Tokyo đưa ra sau khi Nhật Bản và Triều Tiên tiến hành đối thoại liên chính phủ tại tại Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 1-7 về vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc từ những năm 70 và 80 của thế kỷ trước - cho đến nay là một trong những rào cản chính đối với việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Theo một thỏa thuận giữa hai bên vào cuối tháng 5 vừa qua, Triều Tiên sẽ thành lập một "ủy ban đặc biệt" điều tra toàn diện tất cả các vấn đề liên quan đến công dân Nhật Bản bị bắt cóc, bao gồm những người hiện vẫn được cho là mất tích. Đổi lại, Tokyo sẽ dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt áp đặt với Bình Nhưỡng.
Hãng thông tấn Kyodo dẫn phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe (Sin-dô A-bê) trước báo giới cho biết phía Nhật Bản đã xác định rằng trong ủy ban điều tra nói trên của Triều Tiên có các thành viên của Hội đồng Quốc phòng và Bộ An ninh Nhà nước - những tổ chức có thể đưa ra các quyết định ở cấp nhà nước. Vì vậy, trên nguyên tắc "hành động đổi lấy hành động", Chính phủ Nhật Bản quyết định bãi bỏ một số biện pháp trừng phạt đã áp đặt với Triều Tiên. Thủ tướng Abe nhấn mạnh "đây chỉ là bước khởi đầu. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đạt được giải pháp toàn diện cho vấn đề này".
Một số nguồn tin cho biết Nhật Bản dự kiến sẽ dỡ bỏ lệnh cấm công dân Triều Tiên tới Nhật Bản, miễn chứng minh tài chính với số tiền cụ thể trên 1.000 USD và cho phép một số tàu Triều Tiên cập cảng Nhật Bản. Năm 2002, Triều Tiên thừa nhận bắt cóc 13 người Nhật Bản và cho biết 8 người trong số đó đã qua đời tại Triền Tiên, 5 người khác đã được trả về Nhật Bản. Trong khi đó, Tokyo cho rằng đã có 17 người Nhật Bản bị bắt cóc, đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng tiếp tục điều tra và trao trả những công dân Nhật Bản mà Tokyo cho là hiện vẫn sống tại Triều Tiên.
Theo TTXVN