Chủ tịch nước làm việc với cán bộ chủ chốt TP. Đà Nẵng

Đà Nẵng cần phát huy tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển, làm cho kinh tế, nhất là kinh tế biển phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, làm cơ sở tăng cường năng lực an ninh quốc phòng, cải thiện đời sống của nhân dân, nhất là ngư dân.

 

Chủ tịch nước làm việc với cán bộ chủ chốt TP Đà Nẵng. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Chiều 3/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt TP. Đà Nẵng về kết quả phát triển kinh tế biển, kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2014 và phát triển đô thị của Đà Nẵng.

Báo cáo với Chủ tịch nước về một số kết quả nổi bật trên các lĩnh vực, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết Thành phố xác định thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đã đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá tương đối hoàn chỉnh, khép kín tại Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang.

Cụ thể, Khu tránh trú bão Âu thuyền Thọ Quang có diện tích mặt nước 58 ha, sức chứa khoảng 1.000 tàu, diện tích trên bờ 24 ha, cùng với các cơ sở dịch vụ hậu cần như sản xuất nước đá, chợ đầu mối thủy sản, 7 cơ sở đóng sửa tàu thuyền, 4 đại lý xăng dầu, 15 doanh nghiệp chế biến hải sản hoạt động với công suất 30 nghìn tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 120 triệu USD/năm.

TP. Đà Nẵng hiện có 1.286 chiếc tàu, trong đó tàu từ 90CV trở lên là 253 chiếc, từ 400 CV trở lên là 106 chiếc. Sản lượng khai thác hằng năm đạt từ 35.000-40.000 tấn.

Nhiều năm qua, Thành phố đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân, như hỗ trợ máy liên lạc tầm xa Icom, hỗ trợ lãi vay cho các chủ tàu, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thuyền viên; hỗ trợ ngư dân khắc phục thiên tai…

Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, Thành phố có chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá công suất từ 400 CV trở lên từ 400 đến 800 triệu đồng/chiếc. Kết quả, có 12 tàu cá (tổng công suất khoảng 8.000CV) đăng ký đóng tàu theo chính sách này với số tiền hỗ trợ 11 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thành phố còn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển và kinh tế hàng hải; du lịch, dịch vụ hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó du lịch biển được tập trung đầu tư; việc quy hoạch, hình thành phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven biển được triển khai đồng bộ, góp phần phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng các khu vực ven biển.

Về lĩnh vực đô thị, sau 17 năm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã dần hình thành nét đặc trưng của một đô thị vùng duyên hải “đầu biển cuối sông”. Diện tích đô thị được mở rộng về các hướng; việc phát triển các đô thị từ khâu quy hoạch, xây dựng, mở rộng đến công tác chỉnh trang, xây dựng và phát triển hạ tầng khá đồng bộ đã mang lại diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc.

Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng đầu tư đồng bộ đã hội tụ được nhiều yếu tố thúc đẩy cho quá trình phát triển, nhất là Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, Cảng biển Đà Nẵng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng 3 vạn tấn trở lên. Công suất cảng biển sẽ được nâng lên từ 50 vạn tấn/năm đến 4-5 triệu tấn/năm. Hệ thống đường bộ nối liền cảng biển với hành lang Đông Tây phục vụ vận tải đa phương thức.

Sự chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng xã hội và hệ thống nhà ở của nhân dân đã thay đổi diện mạo đô thị theo hướng khang trang sạch sẽ, bước đầu được các tổ chức quốc tế ghi nhận là “Một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh”, “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN”…

Về kết quả thực hiện kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2014, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho biết tổng sản phẩm xã hội GDP 6 tháng đầu năm 2014 của Thành phố ước đạt trên 20 nghìn tỷ đồng, tăng 9,13% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách 6 tháng đạt 5.956 tỷ đồng, đạt 51% so với dự toán. Khách đến tham quan tiếp tục tăng, ước đạt gần 1,8 triệu lượt, tăng 15,7% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 450.000 lượt, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Khai thác thủy sản 6 tháng ước đạt gần 23.000 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ…

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước lưu ý: Các lực lượng chức năng của Đà Nẵng cũng như cả nước cần tăng cường đấu tranh buộc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Đà Nẵng. Để làm được điều đó chúng ta phải tăng cường phương tiện, công suất, nâng cấp cơ sở hậu cần… tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân bám biển dài ngày, đồng thời, thực thi nhiệm vụ pháp luật trên biển của chúng ta.

Với các chính sách đang triển khai để hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, Chủ tịch nước nhấn mạnh việc làm thế nào để phân bổ nhanh, hợp lý nguồn vốn 16.000 tỷ đồng Quốc hội vừa thông qua, cộng với nguồn vốn tính dụng ưu đãi của Chính phủ dành cho ngư dân đóng tàu, trong đó có tàu vỏ thép.

“Với các nguồn lực này, ngoài Đà Nẵng, cần triển khai thêm các tỉnh trọng điểm về biển, giúp ngư dân mạnh lên, giàu lên, từ đó mới đóng góp tích cực cho công cuộc bảo vệ biển đảo, vệ chủ quyền”, Chủ tịch nước lưu ý với các cơ quan chức năng.

Bên cạnh nguồn vốn Nhà nước, Chủ tịch nước yêu cầu Đà Nẵng và các địa phương ở miền Trung cần vận động doanh nghiệp, các nhà hảo tâm giúp ngư dân đóng tàu mới.

Đối với Đà Nẵng, Chủ tịch nước yêu cầu Thành phố cần phát huy tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển, làm cho kinh tế, nhất là kinh tế biển, phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, làm cơ sở tăng cường năng lực an ninh quốc phòng, cải thiện đời sống của nhân dân, đặc biệt là ngư dân. Bên cạnh đó, cần củng cố, tập huấn thêm cho ngư dân về kỹ thuật đánh bắt và bảo quản sản phẩm, để tăng năng suất, nâng cao hiệu quả đi biển.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Đà Nẵng trong Chiến lược kinh tế biển của cả nước, Chủ tịch nước yêu cầu Đà Nẵng phải dồn sức cho lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, về du lịch là kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng, do vậy Thành phố cần tiếp tục đầu tư, tăng trưởng khách du lịch quốc tế, thông qua mở cơ chế kiểm soát, quản lý, mở rộng bầu trời, tăng các chuyến bay quốc tế.

Ngoài ra, việc thu hút các dự án công nghiệp phải thân thiện với môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố hiện tại và trong tương lai.

Nguồn www.chinhphu.vn