Tăng cường xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp

Sáng 2-7, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW, ngày 5/6/2008 và triển khai Kết luận số 96-KL/TW, ngày 7/4/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị còn có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.

 

Đồng chí Lê Hồng Anh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: dangcongsan.vn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh: xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp là nhiệm vụ hết sức quan trọng, giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh; tạo môi trường lao động an toàn, bình đẳng, công bằng cho người lao động; bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động và người lao động; tạo sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp. Qua 5 năm thực hiện, Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư khóa X đã đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, tuy nhiên, quan hệ lao động trong doanh nghiệp còn tiềm ẩn những vấn đề cần được quan tâm giải quyết. Để tiếp tục xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, ngày 7/4/2014, Ban Bí thư khóa XI đã ban hành Kết luận số 96-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW. Đồng chí Thường trực Ban Bí thư đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 22 và triển khai Kết luận số 96 đạt hiệu quả tốt nhất trong thời gian tới.

Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội do đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền trình bày nêu rõ kết quả sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW, nhận thức về quan hệ lao động của cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động có chuyển biến bước đầu. Hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách về quan hệ lao động tiếp tục được hoàn thiện. Quản lý Nhà nước về quan hệ lao động được tăng cường; vai trò của tổ chức đảng, công đoàn và các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp từng bước được phát huy. Việc chấp hành pháp luật lao động của người sử dụng lao động và người lao động có tiến bộ. Số vụ và tính chất các cuộc đình công có xu hướng giảm. Nhiều doanh nghiệp nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò của tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể quần chúng đối với sự ổn định và phát triển doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đời sống của nhiều người lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, điều kiện ăn, ở, đi lại, học tập, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa tinh thần chưa đáp ứng được nhu cầu. Tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động vẫn diễn ra phổ biến. Ở một số nơi, tổ chức đảng và đảng viên, tổ chức công đoàn và đoàn viên trong doanh nghiệp phát triển chậm; vai trò của tổ chức đảng còn hạn chế. Tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ trong doanh nghiệp chưa thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tổ chức đại diện của người sử dụng lao động chưa rõ, chưa được kiện toàn; tình trạng tranh chấp lao động còn diễn ra phức tạp…

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, các đại biểu nhất trí cao với những đánh giá trong báo cáo đã nêu, đồng thời làm rõ hơn các kết quả đạt được cụ thể tại các địa phương, ngành, các doanh nghiệp sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 22. Các đại biểu đã nêu lên những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị với Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan về các giải pháp để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 22 và Kết luận số 96 của Ban Bí thư.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ phổ biến, quán triệt Kết luận số 96 của Ban Bí thư khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 22 của Ban Bí thư khóa X.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh: Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, nền kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn, các cấp uỷ đảng, chính quyền, doanh nghiệp đang chỉ đạo, thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thắng lợi chủ trương trên.

Để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, khắc phục những tồn tại, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đồng chí Lê Hồng Anh yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền trong thời gian tới cần tập trung chỉ đạo thực hiện có kết quả nội dung, yêu cầu của Chỉ thị 22. Trong đó tập trung đổi mới phương thức học tập, quán triệt, tuyên truyền các quan điểm, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước về quan hệ lao động trong doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả phù hợp với từng đối tượng. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động, tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, dạy nghề, tiền lương tối thiểu, an toàn và vệ sinh lao động; hoàn thiện cơ chế tham vấn ba bên về quan hệ lao động, tăng cường các thiết chế hòa giải và trọng tài, tiến tới xây dựng đội ngũ hòa giải viên chuyên nghiệp.

Đồng thời phát triển hệ thống dạy nghề có năng lực đào tạo lao động kỹ năng nghề cao, nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh, chuẩn hóa cơ sở vật chất, giáo trình và đội ngũ giáo viên, huy động các nguồn tài chính theo hướng xã hội hóa, đa dạng hóa sự nghiệp đổi mới phát triển dạy nghề, từng bước đột phá về chất lượng dạy nghề. Có chính sách khuyến khích người sử dụng lao động quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng tay nghề và xây dựng các công trình phúc lợi cho người lao động; khuyến khích người lao động tự học để nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ để ổn định việc làm và nâng cao thu nhập. Hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đất đai và tài chính để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội, công trình phúc lợi phục vụ công nhân lao động để đến năm 2020 cải thiện cơ bản điều kiện ăn ở, học tập, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người lao động tại các khu công nghiệp.

 

Hội nghị được tổ chức trực tuyến toàn quốc. Ảnh: dangcongsan.vn

Đồng chí Thường trực Ban Bí thư yêu cầu, cần tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các đảng bộ, chi bộ trong doanh nghiệp; đổi mới nội dung phương thức hoạt động của tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp; tích cực xây dựng, phát triển tổ chức đảng và làm tốt công tác phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp. Trước mắt tập trung phát triển tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, xây dựng các mô hình tập hợp thanh niên, phụ nữ trong các doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn, các doanh nghiệp trong các khu vực công nghiệp tập trung, các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng để phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức quần chúng trong doanh nghiệp trong việc tập hợp, giáo dục và xây dựng đội ngũ công nhân lao động ngày càng lớn mạnh. Các tổ chức công đoàn cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chú trọng thành lập tổ chức công đoàn và phát triển đoàn viên trong các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là công đoàn ở cơ sở; chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, để thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể…

Đồng chí Lê Hồng Anh cho rằng, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng lao động; tăng cường sự gắn bó giữa chủ doanh nghiệp với người lao động trong doanh nghiệp; xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các cơ quan chức năng xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định hệ thống tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở cấp Trung ương và địa phương.

Đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các doanh nghiệp, tổ chức đại diện người lao động, đại diện người sử dụng lao động, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm của mình tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 22 và triển khai Kết luận số 96 có kết quả trên thực tế, tạo chuyển biến rõ nét trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam