Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến biển đảo và dành nhiều tình cảm cho nhân dân vùng biển. Ngày 10/4/1956, khi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Bác đã nói: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy, ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển. Vì bọn địch thường thả bọn mật thám, gián điệp vào tìm chỗ nấp ở miền biển.
Ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vận chuyển cá ngừ đi tiêu thụ.
Ảnh: Thanh Long - TTXVN
Nếu để nó lọt vào, thì người bị thiệt hại trước là đồng bào miền biển. Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”. Thấm nhuần lời dạy sắt son ấy của Người, ngư dân Quảng Ngãi kiên trì bám biển, giữ đảo.
Thời gian này, tình hình Biển Đông căng thẳng, khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Các tàu hải giám, tàu cá của Trung Quốc thường xuyên rượt đuổi, va, đâm vào tàu cá của ngư dân Việt Nam. Mặc dù vậy, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi với truyền thống yêu nước nồng nàn, thông minh, dũng cảm, với niềm tin và nghị lực phi thường, quyết không lùi bước, luôn đạp sóng vươn khơi bám biển mưu sinh, đồng thời bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Để bám biển, ngư dân Trương Tày, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đã đầu tư 3 tỷ đồng đóng mới chiếc tàu có công suất 650 CV đánh bắt xa bờ. Chiếc tàu hạ thủy với các phương tiện đánh bắt được trang bị đầy đủ. Anh Tày cho biết: "Tôi đã có 3 chiếc tàu cá, nhưng vẫn tiếp tục đóng thêm chiếc nữa để đi biển. Hoàng Sa vẫn là ngư trường chính của chúng tôi. Làm như vậy là chúng tôi đang làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu, rằng ngư dân miền biển phải canh gác, bảo vệ chủ quyền biển đảo".
Còn với ngư dân Hoàng Minh Trọng, chủ tàu cá QNg 96237 TS, xã An Hải, huyện Lý Sơn, học Bác là phải nêu cao tinh thần yêu nước, đóng góp vào việc xây dựng và bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. Mặc dù trước đó, chiếc tàu của gia đình ông đang đánh bắt hợp pháp tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu Trung Quốc tấn công. Các đối tượng trên tàu Trung Quốc lấy hết tài sản, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng nhưng ông vẫn không nản chí mà tiếp tục đầu tư mua sắm trang thiết bị để ra khơi. “Mình phải tiếp tục bám biển, bám ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc càng có những hành động ngang ngược, cản phá thì càng làm cho lòng quyết tâm của ngư dân chúng tôi tăng lên”, ông Trọng khẳng định.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, nhiệm vụ của ngư dân trong việc bảo vệ chủ quyền và khai thác các nguồn lợi từ biển, làm chủ tiềm năng của biển để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước như càng khích lệ thêm tinh thần cho ngư dân ra khơi. Thời gian qua, nhiều tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đe dọa, các đối tượng trên tàu tấn công, đánh đập, lấy tài sản, gây thiệt hại không nhỏ đến tính mạng và tài sản của ngư dân. Thế nhưng, ngư dân Quảng Ngãi vẫn đoàn kết, đồng lòng ra khơi. Bởi với họ, đi biển không chỉ để mưu sinh mà còn là thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn cho hay: Thời gian qua, có rất nhiều tàu cá của huyện Lý Sơn bị tàu Trung Quốc tấn công, nhưng các cơ quan chức năng, các đơn vị, nhà hảo tâm đã hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần nên ngư dân không hề hoang mang, nản chí. Lớp lớp thế hệ ngư dân đã, đang và tiếp tục vươn khơi bám biển, khai thác hải sản, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Dù phải đối diện với nhiều khó khăn, gian khổ ở biển khơi, nhưng ngư dân Quảng Ngãi luôn nêu cao tinh thần quyết tâm, xứng đáng là "những người chiến sĩ" canh cửa cho Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió, góp phần làm chủ biển khơi, bảo vệ trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
Nguồn baotintuc.vn