Trung Quốc đang thực hiện “sự ép buộc được điều chỉnh tăng lên ở Biển Đông"

(NTO) Tiến sĩ Pa-tơ-rích Crâu-ninh là Cố vấn cao cấp và giám đốc cao cấp của Chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương trong Trung tâm an ninh Mỹ mới, một cơ quan nghiên cứu chính sách phi chính phủ ở Oa-sinh-tơn. Tại cuộc Hội thảo “Hoàng Sa-Tường Sa: Sự thật lịch sử”, ông Pa-tơ-rích Crâu-ninh đã có bài tham luận với tựa đề:“Sự ép buộc được điều chỉnh tăng lên ở Biển Đông”, phân tích những mục tiêu cũng như động lực của các hành động gây hấn mà Trung Quốc thực hiện ở Biển Đông...

Trung Quốc tận dụng sức mạnh mới trỗi dậy để tăng cường ảnh hưởng trong khu vực

Ông Pa-tơ-rích Crâu-ninh nhận định, Trung Quốc đang ngày càng trở lên quyết đoán đối với yêu sách của họ trên Biển Đông: “Những bức ảnh chụp hồi tháng 3 và gần đây được lưu hành cho thấy Trung Quốc đang tiến hành cải tạo đảo Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Đảo Gạc Ma cũng chính là nơi Trung Quốc và Việt Nam có đụng độ hải quân tháng 3 năm 1988. Và đầu tháng 5 này Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan vào ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tàu Trung Quốc đâm vào tàu cá và tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Hai hành động trên ở Biển Đông cùng phản ánh những động thái quyết đoán trên Biển Đông và là một phần của những tính toán kỹ lưỡng của Bắc Kinh”.

Trung Quốc đang sử dụng cái mà ông Pa-tơ-rích Crâu-ninh gọi là "sự ép buộc có điều chỉnh" làm phương tiện để biến đòi hỏi của họ trở thành hiện thực.

Theo ông Pa-tơ-rích Crâu-ninh, để thực hiện “sự ép buộc có điều chỉnh”, Trung Quốc sử dụng đầy đủ phương tiện thực hiện chính sách, bao gồm các lực lượng trên biển và trên không, cơ quan bảo vệ bờ biển và cơ quan chấp pháp, luật trong nước và luật quốc tế, ngoại giao cũng như thương mại, du lịch, năng lượng và tài nguyên. Trung Quốc đang theo đuổi một "cơ hội chiến lược" để tận dụng sức mạnh mới trỗi dậy và đang tăng lên để tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực. Nhất là ở khu vực Biển Đông, có vẻ như Trung Quốc muốn giành sự kiểm soát thực tế (de facto) và kiểm soát theo luật (de jure) đối với yêu sách "đường chín đoạn" chiếm phần lớn khu vực này.

Những hành động đó được điều chỉnh trên nhiều khía cạnh: Chúng được điều chỉnh để không cố tình leo thang thành xung đột chính thức hay châm ngòi cho một liên minh thống nhất chống Trung Quốc; chúng được điều chỉnh để đủ thực chất không phải là quân sự và vì vậy không cố tình làm nổi lên lực lượng quân sự của Trung Quốc đang được hiện đại hóa nhanh chóng và chúng được điều chỉnh để đưa ra thông điệp khác nhau với các đối tượng khác nhau.

Học giả nước ngoài ký tên vào tấm bản đồ ủng hộ chủ quyền của Việt Nam
đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: Yên Ba

Ông Pa-tơ-rích Crâu-ninh phân tích: Các thông điệp đó “đưa ra tín hiệu với trong nước rằng lãnh đạo Trung Quốc sẽ bảo vệ những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và chủ quyền; đưa ra tín hiệu với khu vực rằng nước nào tìm kiếm quan hệ giao thương và quan hệ tốt với Trung Quốc sẽ phải cho Trung Quốc quyền kiểm soát lớn hơn đối với an ninh và các nguồn tài nguyên; đưa ra tín hiệu với Mỹ rằng sức mạnh vượt trội của Mỹ không duy trì được lâu và sẽ phải điều chỉnh phù hợp với một Trung Quốc đang lên (ví dụ như Trung Quốc ép các nước đồng minh của Mỹ phải nhượng bộ với Trung Quốc). Trung Quốc có thể không kỳ vọng sẽ đẩy Mỹ ra khỏi châu Á, nhưng Trung Quốc chắc chắn hy vọng có thể mở rộng quyền lực bằng cách làm giảm ảnh hưởng của Mỹ”.

Trung Quốc đang sử dụng luật như công cụ để thực hiện mục đích nước lớn

Theo ông Pa-tơ-rích Crâu-ninh, điều mà Trung Quốc không nhận thấy hoặc muốn bỏ qua là sự cương quyết tăng lên của họ đang làm mất ổn định trong khu vực và trở thành nguy cơ hiện hữu nhất về sự leo thang quân sự tại khu vực châu Á, ngoài Bán đảo Triều Tiên. Bằng cách ngả về câu chuyện lịch sử, nhờ năng lực và sức mạnh đang tăng lên, Trung Quốc ham muốn giành quyền kiểm soát đối với vùng biển rộng lớn ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Chính xác là Trung Quốc đang tạo ra môi trường khu vực phân cực tại khu vực mà Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ là nguyên nhân tạo ra sự phân cực đó.

Tính chất thực dụng hai mặt của Trung Quốc trong thực hiện các chính sách đối ngoại cũng được Tiến sĩ Pa-tơ-rích Crâu-ninh phân tích kỹ. Trung Quốc có thể rất vui vẻ tuân thủ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì đã cho Trung Quốc thâm nhập vào thị trường thế giới, nhưng Trung Quốc lại miễn cưỡng ký vào các quy tắc ràng buộc có thể động chạm vào "lợi ích cốt lõi của quốc gia". Theo định nghĩa thì lợi ích cốt lõi của quốc gia là vấn đề chủ quyền. “Đường chín đoạn” trên Biển Đông là một ví dụ điển hình. Một số học giả Trung Quốc có thể kín đáo đưa ra cách diễn giải cho cái họ cố tình tạo ra, nhưng các học giả khác, thậm chí là các quan chức, lại đưa ra những luận điểm không thích hợp. Trung Quốc chính thức từ chối làm rõ yêu sách này có dựa trên các cấu trúc đất hay không, điều có thể cung cấp cho yêu sách này một cơ sở vững chắc hơn trong luật pháp quốc tế. Điều này lại gợi lại vấn đề mang tính dự báo: Không có một quan điểm vững chắc, có thể biện giải được, cái yêu sách mờ mịt của Trung Quốc hiện ra hiển nhiên là đi ngược lại các nguyên tắc xây dựng luật được thế giới công nhận.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chuyển nhanh sang quan niệm về quyền của nước lớn và họ thích các thỏa thuận song phương hơn ràng buộc vào nước láng giềng nhỏ hơn.

Tiến sĩ Pa-tơ-rích Crâu-ninh đưa ra một ví dụ về Tuyên bố của Trung Quốc tháng 11-2013 về vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ), cho thấy rõ nhất sự tăng lên trong tranh chấp với Nhật Bản. Trung Quốc dứt khoát sử dụng các biện pháp ép buộc hơn, không tuân thủ các nguyên tắc quốc tế phổ biến, để thay đổi thực tế trên cơ sở và các vùng biển phụ cận. Thay vì xây dựng luật, Trung Quốc đang sử dụng luật như công cụ để thực hiện mục đích nước lớn là khôi phục những đòi hỏi cổ xưa và vùng lãnh thổ bị mất. Việc bùng phát các "quyền" được ủng hộ ở Trung Quốc thúc ép các lãnh đạo khác của Trung Quốc trở nên không thỏa hiệp với những vấn đề được cho là liên quan đến chủ quyền của Trung Quốc.

Tóm lại, Tiến sĩ Pa-tơ-rích Crâu-ninh kết luận, là một cường quốc đang trỗi dậy, Trung Quốc không muốn bó buộc vào những hạn chế sẽ làm giảm sức mạnh khi Trung Quốc tiếp tục nổi lên. Trung Quốc là một người xây dựng luật vô tư nhưng cũng là người phá luật vô tư. Những khi phải đối mặt với vấn đề an ninh khó khăn, Trung Quốc đặc biệt nhận thấy các nguyên tắc ràng buộc đa phương khó có thể chấp nhận được. Thay vào đó, Trung Quốc sử dụng luật lệ đó như một phần của sự chèn ép có điều chỉnh đối với nước láng giềng nhỏ cũng như lớn, hy vọng chặn trước những kiềm chế đối với một Trung Quốc đang nổi lên trong khi có thể tối đa hóa sức ép lên nước khác.

Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân