“Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”
Bữa cơm gia đình là các thế hệ trong gia đình cùng ngồi chung một mâm cơm mà ở đó, việc hưởng thụ món ăn có khi còn kém quan trọng hơn cả việc hưởng thụ không khí bữa ăn, không khí hạnh phúc, ấm áp thì “râu tôm nấu với ruột bầu” cũng được mọi người “gật đầu khen ngon”. Cuộc sống hiện đại, mỗi người mỗi việc: trẻ nhỏ thì đi học, người lớn đi làm… Vì vậy, những bữa cơm sum họp là những dịp hiếm hoi trong ngày để mọi người quan tâm thể hiện tình cảm với nhau. Trong bữa cơm, mọi người cùng chuyện trò vui vẻ: ông bà, cha mẹ có dịp hỏi han việc học hành của con cháu, chia sẻ những ý tưởng, những tâm tư của con trẻ; các thành viên trẻ được chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm từ những lời khuyên răn, dạy bảo của những thành viên đi trước; trẻ nhỏ thể hiện sự kính trọng với ông bà và cha mẹ qua từng cử chỉ ăn uống; vợ chồng thể hiện tình yêu thương, săn sóc nhau; anh chị em chia sẻ những câu chuyện trường lớp, công việc của mình...
Ảnh minh họa.
Trong bữa ăn gia đình người Việt, người già và trẻ em thường được đặc biệt quan tâm. Dành cho họ hầu hết đều là những phần ăn ngon nhất, tốt nhất. Riêng với trẻ nhỏ, không chỉ được quan tâm về dinh dưỡng, trẻ còn được ông bà, cha mẹ, anh chị bồi đắp, giáo dục nhân cách, học cách quan hệ ứng xử từ những bữa ăn gia đình như vậy. Qua đó, trẻ sẽ có cảm giác an toàn và ổn định, được yêu thương và chăm sóc, từ đó ý thức được, dẫu đơn sơ về “tổ ấm gia đình”, “tình yêu” và “hạnh phúc”… Một đứa trẻ được đùm bọc, yêu thương sẽ tươi vui, hoạt bát, biết quan tâm và chia sẻ với mọi người hơn là những đứa trẻ khác.
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”
Ở gần đã vậy, với những người đi xa, nỗi nhớ nhà, nhớ bữa cơm gia đình lại càng trở nên cồn cào, da diết. Dù không phải là “cao lương, mỹ vị”, chỉ giản dị và mộc mạc như “canh rau muống”, “cà dầm tương” thôi, nhưng nó là nỗi khát khao thầm kín, là mảnh hồn riêng trong lòng người con xa quê. Có mặt trong bữa ăn gia đình vào những dịp lễ, tết, giỗ chạp…, được nhìn rõ hơn sự trưởng thành của các em, các cháu, nhận thấy kỹ càng sự thay đổi trên làn da, mái tóc của cha mẹ, ông bà, được nghe kể lại về những thăng trầm, biến cố của các thành viên khác trong gia đình phải trải qua, được nhận về những lời động viên chân tình và đắm mình trong không khí sum vầy, ấm áp tình yêu thương… càng làm cho mỗi người đi xa suy nghĩ nhiều hơn về trách nhiệm của mình đối với tổ ấm gia đình, từ đó mà có thêm quyết tâm để hoàn thiện và phát triển bản thân sao cho xứng đáng với những niềm tin yêu ấy.
Cuộc sống xã hội hiện đại, nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy công việc công sở, những chuyến công tác xa nhà, có những người phụ nữ coi việc nấu nướng tại nhà trở thành xa lạ, nếp sống gia đình truyền thống bị phá vỡ, bữa ăn gia đình vì thế mà cũng thiếu vắng thành viên, “bữa đực, bữa cái”. Thực trạng chung hiện nay, đặc biệt là ở thành thị, nhiều gia đình, buổi trưa cha mẹ ăn ở cơ quan, con lại ăn ở lớp học bán trú, buổi tối ai về sớm ăn trước, cả gia đình tới cuối tuần mới có dịp gặp nhau đông đủ ở bữa ăn. Nếu không có những bữa cơm gia đình thường xuyên, đều đặn, chắc chắn mối liên hệ giữa các thành viên trong gia đình sẽ càng trở nên xa cách, sợi dây chia sẻ và gắn kết tình cảm sẽ bị “roãng” dần. Hầu hết mọi người đều cảm thấy rằng, bữa cơm gia đình ăn tại nhà hàng, khách sạn dẫu sang trọng, hào nhoáng nhưng cũng không thể thay thế được bữa cơm tại gia đình mình, nơi được coi là cội nguồn, là chốn nương náu quen thuộc, gần gũi, tạo nên sự ấm cúng đặc biệt cho mỗi thành viên.
Chính từ ý nghĩa trân trọng những giây phút sum họp của mọi gia đình Việt Nam bên bữa cơm gia đình hạnh phúc, đầm ấm mà “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” được chọn làm chủ đề của ngày Gia đình Việt Nam 28-6 năm nay. Mỗi người chúng ta cần đánh giá đúng tầm quan trọng của bữa cơm gia đình để cố gắng thực hiện và giữ gìn, để những bữa cơm gia đình luôn được duy trì, đầy ắp tiếng nói cười và chan chứa yêu thương.
Thanh Phong