Đa phần, gia đình nào cũng vậy, trên mâm cơm “màu xanh” của rau chiếm quá hai phần ba, phần “đạm” có khi chỉ là quả trứng luộc, dăm con cá kho để lấy nước chấm rau và phần lớn là đều “tự sản”. Thi thoảng có bữa thịt gà hay vịt để gọi là cải thiện dù rằng gia đình tự nuôi lấy... Trong bữa cơm đạm bạc ấy mọi thành viên trong gia đình quây quần, vừa ăn vừa kể chuyện từ công việc làm ăn của người lớn đến chuyện học hành của con cái, cả việc uốn nắn cách sống, cách sinh hoạt “ở đời”… Có lẽ nhờ vậy mà đã tạo nên nền tảng đạo đức trong mỗi người, biết sống và sống đẹp chăng!
Ngày nay mọi sự đã khác. Cùng với sự phát triển của xã hội, cuộc sống của đa số người ngày càng không ngừng được cải thiện, bữa cơm gia đình ít “màu xanh” hơn thay vào đó là khá nhiều “đạm” với nhiều món ngon để lựa chọn.
Nhưng cùng với đó là sự “bỏ bữa” dày hơn của các thành viên trong gia đình với nhiều lý do, trong đó lý do có phần “thuyết phục” nhất là “áp lực” quá nhiều do yêu cầu cuộc sống mang lại từ người lớn với bao bon chen kiếm lợi đến trẻ em nặng “ba lô” học thêm, học bớt cộng với bao trò chơi game đầy sức quyến rũ... Chẳng đâu xa, như anh bạn tôi vốn khá thành công trong kinh doanh và theo đó là cấp số cộng của “cơm bụi đắt tiền” - như lời anh nói - tại các quán ăn, nhà hàng do tiếp đối tác và ngược lại. Bữa cơm vắng “trụ cột” vậy là vợ “lơ” luôn phần nội trợ, dăm ngày trong tuần nấu một bữa cơm để gọi là... nhớ còn lại cả con cái cũng... “hồn ai nấy giữ”. Riết rồi thành quen. Vợ anh chống chế: ăn ngoài cho tiện, khỏi mất thời gian.
Theo thống kê mới đây, tại các đô thị lớn nước ta có đến 30-40% các gia đình thường rơi vào cảnh "cơm hàng cháo chợ” kéo theo đó là sự thay đổi đáng lo ngại về sự rạn vỡ của gia đình truyền thống bởi “chất keo” liên kết các thành viên gia đình qua “bữa cơm đầm ấm” đã ngày càng mất dần cùng với đó là sự “nguội lạnh” trong các sinh hoạt khác của gia đình. Không phải ngẫu nhiên khẩu hiệu “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn làm chủ đề của Ngày gia đình Việt Nam 28-6 năm nay gắn với “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống gia đình”, mà theo chúng tôi trước “hiện trạng” đáng báo động về sự “lạnh nhạt” trong gắn kết của từng thành viên gia đình rất cần được “hâm nóng” lại.
Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình mạnh thì xã hội mới phát triển bền vững. Mong rằng qua “thông điệp” từ chủ đề của Ngày gia đình Việt Nam năm nay sẽ làm “thức tỉnh” để mọi gia đình luôn có bữa cơm đầm ấm, là nơi các thành viên trong gia đình thể hiện sự quan tâm, chia sẽ và gắn kết tình cảm với nhau.
Hạ Huyền