Báo động nạn ô nhiễm các dòng kênh

(NTO) Thay vì được thu gom và đưa đến nhà máy để xử lý, không ít rác sinh hoạt được thải trực tiếp xuống các kênh mương, gây cản trở dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước và môi trường sống của nhiều hộ dân.

Dòng chảy của… rác!

Chọn cầu Đá Bạc ở đoạn cuối kênh Chà Là làm địa điểm xuất phát cho hành trình đi ngược “dòng” rác, chúng tôi không chỉ ghi được nhiều hình ảnh rác sinh hoạt trôi nổi dưới lòng kênh mà còn ái ngại với mùi hôi từ dòng nước tối màu mà hằng ngày, người dân hai bên phải chấp nhận “sống” cùng. Mặc dù đoạn kênh Chà Là từ cầu Đá Bạc đến cầu Đông Ba (phường Mỹ Đông, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) đã được kiên cố hóa nhưng rác thải vẫn dồn ứ về đoạn cuối kênh, khiến khu vực này “bốc mùi” rất khó chịu.

Mỗi ngày, ông Trần Văn Chọn đều phải khơi thông dòng nước vì rác ứ đọng.

Vượt qua cầu Đông Ba, đến đoạn kênh chưa được kiên cố hóa, tình trạng vứt rác xuống nước còn nghiêm trọng hơn. Dọc hai bờ kênh là những đống rác sinh hoạt do chính các hộ dân nơi đây đổ trực tiếp xuống. Ông Võ Văn Tiến (khu phố 6, phường Mỹ Đông) cho biết: Chỉ có các khu vực “thuận” đường bê tông mới có hoạt động thu gom rác, còn ở đoạn kênh này thì chưa có, nên người dân chỉ còn cách bỏ rác xuống kênh cho trôi đi. Bà con cũng nhiều lần ý kiến có hoạt động thu gom rác, sẵn sàng đóng phí hàng tháng như các khu phố khác nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Tiếp tục ngược dòng kênh Chà Là, chúng tôi tiếp cận hồ Điều hòa. Nước hồ cũng có màu xanh đục, mùi hôi. Gió thổi đưa rác và bèo tấp vào bờ hồ thành những cụm nhỏ. Tình trạng ô nhiễm ở đây là điều khó tránh khỏi, khi mà nguồn nước đổ vào hồ là từ các cống thoát nước sinh hoạt và dòng mương mang rác ở các địa điểm khác đến. Đi theo một con mương nhỏ phía bắc hồ Điều hòa, chúng tôi vượt qua phường Mỹ Bình, khu vực nông nghiệp của phường Văn Hải, rồi đến chân cầu Bà Lợi của phường Đài Sơn. Nơi nào có nhà dân hai bên con mương là nơi đó hiển nhiên có rác. Lòng mương nhiều đoạn bị bùn đất bồi, dòng chảy thu hẹp.

Xuôi theo một con mương khác – mương Cái (phía trước Trường THPT Tháp Chàm), chúng tôi lại bắt gặp “dòng chảy” của rác. Đã hơn 70, tuổi nhưng ông Trần Văn Chọn (khu phố 7, phường Bảo An) vẫn cặm cụi dùng thanh tre khơi thông dòng nước do bị rác dồn ứ tại đập sắt điều tiết nước của con mương. Ông cho biết: Bên Thủy nông trả tôi 400 ngàn/tháng để tôi làm việc này 4 lần trong ngày, vào buổi sáng sớm, trưa, xế và chiều. Những hôm nhiều rác quá thì phải dùng xỉa đưa lên bờ rồi đốt.

Anh Trương Hòa Phong (khu phố 7, phường Bảo An) cho biết: Ở khu vực dân cư này chưa có hoạt động thu gom rác nên bà con thường tập kết thành đống rồi đốt. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp ném rác xuống mương, hoặc rác từ phía đầu dòng trôi xuống.

“Nỗi buồn” của biển

Những ngày này, đi ngang cầu Tri Thủy (thị trấn Khánh Hải, Ninh hải), cảnh tượng rác nổi lềnh bềnh khắp mặt nước khiến không ít người ái ngại. Không chỉ dừng lại ở việc tấp vào chân cầu như trước đây, rác hiện đã “phủ” khắp một vùng nước rộng xung quanh cầu và đoạn bờ bên phía xã Tri Hải. Rác thải theo dòng kênh, mương, … rồi cũng ra tới biển, hòa vào dòng hải lưu, lại trôi dạt vào bờ. Từ những bãi tắm như Bình Sơn – Ninh Chử bị rác bủa vay theo mùa gió, đến chân cầu Tri Thủy rác hết tấp chân cầu phía Nam lại dạt sang chân cầu phía Bắc. Hay như khu vực bờ kè cảng cá Cà Ná (Thuận Nam), rác cũng dập dềnh, mùa gió Nam trôi về bên này, mùa gió bấc lại trôi về bên kia. Rác dạt vào bờ gây ô nhiễm, lực lượng đoàn viên, thanh niên được huy động thu gom. Hôm nay thu dọn sạch sẽ, ngày mai rác lại theo thủy triều tấp vào. Cứ thế, cái vòng luẩn quẩn của rác xuất phát từ chính hành động vô ý thức của con người, lại trở về với con người.

Sẽ là thiếu công bằng nếu chỉ “đổ lỗi” cho dân cư ven biển, vì thực tế, lượng rác theo các kênh, mương, sông suối đổ ra biển là không hề nhỏ. Những năm gần đây, các xã, phường ven biển như Cà Ná, Phước Diêm (Thuận Nam), Đông Hải (Tp.Phan Rang – Tháp Chàm) đã rất nỗ lực trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cũng như thực hiện việc thu gom rác sinh hoạt, với mức phí từ 10.000 – 12.000 đồng/hộ/tháng. Điều này đã góp phần đáng kể trong việc giảm lượng rác thải trực tiếp ra biển. Tuy nhiên, một khi hoạt động thu gom rác không đồng bộ ở các địa phương, ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, thì việc biển phải đón nhận một lượng rác sinh hoạt mỗi ngày là điều khó tránh khỏi. Nước biển ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân ở các vùng ven biển mà còn làm xấu đi hình ảnh du lịch biển của tỉnh nhà, ảnh hưởng không tốt đến môi trường sống trong tương lai.