Phường Đông Hải giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường

(NTO) Đông Hải là phường có dân số đông nhất Tp.Phan Rang – Tháp Chàm, với gần 26.000 nhân khẩu. Đây cũng là địa phương bức xúc nhất về vấn đề vệ sinh môi trường.

Mật độ dân cư cao, cộng với thói quen sinh hoạt từ lâu đời, người dân Đông Hải trước đây thường xả rác xuống biển, dọc theo kênh mương, bờ kè, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngoài ra, nhiều người còn đi vệ sinh trực tiếp dọc theo kè biển, khiến tình trạng ô nhiễm càng trở nên khó chấp nhận. Đồng chí Võ Sinh, Bí thư Đảng ủy phường cho biết: Sau rất nhiều giải pháp bị “thất bại”, chúng tôi nhận ra rằng, điều cốt yếu là phải thay đổi được nhận thức của người dân. Nghe thì đơn giản nhưng thực tế thực hiện lại rất khó.

Người dân phường Đông Hải thực hiện việc thu gom rác thải sinh hoạt,
giữ gìn vệ sinh môi trường.

Từ việc vận động, nhắc nhở các hộ dân; đưa lực lượng đoàn viên, thanh niên xuống thu gom rác thải, đến tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường ở từng khu phố, cụm dân cư,… đều chỉ mang lại hiệu quả tức thời rồi đâu lại hoàn đấy. Rác thải vẫn cứ thải đầy kè biển, theo mùa gió trôi dạt về những bãi tắm, làm “mất điểm” du lịch địa phương, ẩn chứa nhiều nguy cơ về sức khỏe, dịch bệnh.

Năm 2009, khi thực hiện mô hình thu gom rác thải trên địa bàn, không ít người tỏ ra “nghi ngờ” tính khả thi cũng như hiệu quả mang lại. Thực tế, việc vận động các hộ dân tham gia mô hình ban đầu gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ đóng phí thu gom rác thải của toàn phường chỉ ở mức dưới 20% trong các năm 2010, 2011. Với tỷ lệ này, số tiền thu được thường không đủ để chi sửa chữa xe, trả lương cho tổ vệ sinh,… “Mưa dầm thấm lâu”, công tác vận động, tuyên truyền thường xuyên, liên tục, cộng với nhiều giải pháp đồng bộ được thực hiện quyết liệt, đến nay, có 86% hộ dân đóng phí thu gom rác thải, với mức 12.000 đồng/tháng/hộ. 14% còn lại thuộc các đối tượng chính sách và thôn, khu phố chưa có điều kiện thu gom rác tập trung. Mỗi tháng, phường thu được khoảng trên 40 triệu đồng tiền phí thu gom rác thải, đảm bảo đủ chi lương nhân viên vệ sinh và sắm mới, sửa chữa dụng cụ thu gom rác. Dọc bờ kè biển, những xe rác, thùng gỗ với dòng chữ “Xin bỏ rác vào thùng”, “Vì môi trường xanh – sạch – đẹp” đã trở nên quen thuộc với người dân.

Đồng chí Trần Minh Tâm, Phó Bí thư Đảng ủy phường cho biết: Cùng với hoạt động thu gom rác, chúng tôi cũng triển khai nhiều mô hình giữ gìn vệ sinh môi trường khác, như việc thành lập 24 tổ phụ nữ “quét trong nhà, quét ngoài ngõ”, nhắc nhở nhau giữ vệ sinh chung ở khu dân cư; giao cho các hội, đoàn thể phụ trách các tuyến đường xanh – sạch – đẹp trên địa bàn. Chúng tôi cũng chuẩn bị ra mắt các tổ thể dục dưỡng sinh buổi sáng, lồng ghép với hoạt động nhắc nhở những người có hành vi ném rác xuống biển, đi vệ sinh ngoài bờ kè,…

Một trong những chương trình được cho là khá “ưu ái” đối với phường Đông Hải nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường là chính sách hỗ trợ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà vệ sinh. Với mức hỗ trợ trên 4 triệu đồng/hộ, gần 700 nhà vệ sinh được xây dựng cuối năm 2012, mang lại hiệu ứng tích cực đối với vấn đề vệ sinh môi trường trên địa bàn. Là một trong số những hộ được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, ông Huỳnh Xuân Tâm (khu phố 8) vui vẻ cho biết: Điều kiện kinh tế khó khăn nên khi được Nhà nước hỗ trợ xây nhà vệ sinh, chúng tôi phấn khởi lắm. Gia đình cũng thường xuyên nhắc nhở các cháu nhỏ không được ra ngoài kè biển đi vệ sinh nữa.

Mỗi con đường, ngõ hẻm của phường Đông Hải đều đã sạch sẽ hơn trước. Những xô, sọt đựng rác đặt trước mỗi nhà là hình ảnh rõ nét nhất về sự chuyển biến trong nhận thức và hành động giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân nơi đây. Chị Nguyễn Thị Bích Song (khu phố 2) cho biết: Bây giờ, nhà nào cũng phải bỏ rác vào sọt, sáng sớm có người đến thu gom, vừa sạch sẽ, lại tiện lợi. Chúng tôi mà thấy ai đem bịt rác bỏ xuống biển là nhắc nhở ngay. Giữ gìn là phải đồng loạt, nhà nào cũng phải giữ thì mới sạch sẽ được.