Với diện tích hiện nay trên 800ha, nho được trồng tập trung tại các địa phương của huyện Ninh Phước, Ninh Hải và Tp Phan Rang-Tháp Chàm, mỗi năm, người trồng nho Ninh Thuận cung cấp cho thị trường khoảng 15.000 -20.000 tấn nho ăn quả. Ngoài việc cung ứng sản phẩm tươi, người nông dân còn biết chế biến nho thành nhiều loại sản phẩm như mật nho (sirô nho) là một loại nước giải khát thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng; mứt nho có vị chua chua ngọt ngọt khá hấp dẫn trong đó hạt nho trong mứt có khả năng chống lão hóa cao; rượu vang chát được sử dụng như thức uống khai vị kích thích tiêu hóa, có lợi cho sức khỏe... Đặc biệt loại rượu nho truyền thống là một đặc sản mang nhiều “hương đồng gió nội”, một món quà quê dành sẵn tiếp khách đến thăm nhà.
Thương hiệu rượu, mật nho Phan Rang được khắp nơi trong nước biết đến.
Nếu xét về vùng có nghề làm rượu, mật nho theo cách truyền thống lâu đời nhất ở tỉnh phải kể đến làng Long Bình (An Hải, Ninh Phước). Chỉ tính riêng hai bên đường dọc tuyến Quốc lộ 1 đi vào Tp Phan Rang-Tháp Chàm từ phía Nam, có đến hàng chục cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, mật nho và các sản phẩm từ nho khác. Chưa kể đến hàng chục hộ cá thể vừa trồng nho vừa có nghề làm rượu, mật nho “bỏ” mối quen. Theo ước tính, cứ 10 hộ trồng nho thì 7 hộ biết ủ rượu và nấu mật nho theo cách truyền thống. Bởi cách làm rượu và mật nho truyền thống khá đơn giản. Ông Huỳnh Văn Trí, một người có thâm niên “ủ” rượu nho của làng Long Bình cho hay: Muốn rượu ngon phải chọn những trái nho không bị dập nát, rửa sạch rồi để ráo nước. Bóp từng trái nho một rồi cho vào thùng chứa nguyên cả vỏ và hột, xếp theo trình tự cứ một lớp nho lại đến một lớp đường cho đến lúc đầy chừng 2/3 thùng, theo tỷ lệ 10kg nho với 3kg đường cát, cứ tỷ lệ 3:1 mà làm. Nho được ủ trong thùng kín để lên men vi sinh một cách tự nhiên sẽ cho ra loại rượu thơm ngon đậm đà. Thường thì sau hơn 1 tháng là có thể lược bã, lóng cặn để có nước rượu trong. Loại rượu này càng để lâu, hương vị càng nồng, khi uống vào sẽ cảm nhận được vị vừa chát, vừa ngọt và mùi thơm rất đặc trưng.
Quy trình chế biến mật nho cầu kỳ hơn vì phải qua công đoạn nấu cho quả nho rục ra rồi mới lược bỏ hạt và xác quả. Phần nước nho đã lược cặn hòa với đường cát theo tỷ lệ 5: 2 (tức cứ 10kg nho thì 4kg đường cát) tiếp tục được đun trên lửa liu riu cho tới khi nước nho sánh lại vừa phải. Chính vì được chế biến một cách thủ công và phụ thuộc kinh nghiệm pha chế như thế nên rượu nho, mật nho cũng có cái vị riêng của từng nhà.
Từ sản xuất đơn thuần chỉ để dùng hoặc biếu tặng hay bỏ mối quen, đã có nhiều người trồng nho ở Ninh Phước như ông Ba Mọi ở Phước Thuận, vợ chồng chú Trí ở An Hải…đã bứt phá đưa những sản phẩm từ nho trở thành mặt hàng kinh doanh song hành với nho ăn quả làm nên thương hiệu rượu, mật nho Phan Rang được khắp nơi trong nước biết đến. Hiện nay, rượu nho và mật nho Phan Rang đã có cái tên “mỹ miều” là vang nho và si-rô nho với quy trình chế biến tinh tế hơn nhưng vẫn giữ được hương vị truyền thống, không pha hóa chất hay bất kỳ hương liệu nào. Tiêu biểu là những nhãn hiệu Vang nho Phan Rang, Viết Nghi, Trí Hiệp hay Thiên Thảo... đã đứng chân trên thị trường và trở thành biểu tượng của vùng đất Phan Rang đầy nắng gió.
Theo nhiều du khách trong nước cũng như quốc tế, một lần đến Ninh Thuận thì không thể không ghé thăm một trong những vùng nho “nổi tiếng” như Phước Thuận, Phước Hậu (Ninh Phước), Cà Đú, Văn Hải (Phan Rang-Tháp Chàm), Thái An (Ninh Hải) để chiêm ngưỡng những giàn nho tươi mát và dành một phút thưởng thức vị lâng lâng của những dòng vang nho đậm đà. Người trồng nho Ninh Thuận bao giờ cũng sẵn lòng đón du khách đến thăm, cùng chia sẻ niềm vui về thành quả lao động để có được những vườn nho “chín tím trời chiều” và sau nữa là lâng lâng cùng vị chát ngọt của rượu nho mà chếnh choáng nghĩa tình…
Diễm My