Thêu tranh niềm vui của mọi lứa tuổi
Bên dưới giàn phong lan đang khoe sắc, cô Trang ở phường Phủ Hà (Tp. PR-TC ), vồn là viên chức đã về hưu. Với cái tuổi quá ngũ tuần nhưng đôi mắt vẫn còn tinh anh, đôi bàn tay nhanh nhẹn luồn từng mũi kim thêu. Với bức tranh thư pháp đang ở giai đọan hoàn thiện cô chia sẻ: về hưu rồi ở nhà buồn, thấy mọi người thêu mình cũng thêu cho vui, vừa giết thời gian lại có tranh trang trí thêm trong nhà. Không riêng gì cô Trang, đa phần các bà khi đã về hưu, ngoài làm công việc nội trợ họ tìm đến tranh thêu như là phương tiện để lấp đầy khoảng thời gian trống trong ngày.
Ảnh minh họa.
Chị Châu làm kế toán cho một doanh nghiệp trong tỉnh cho biết: thêu tranh giúp chị thư giản sau những giờ làm việc căng thẳng, rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại, vượt qua áp lực trong công việc. Chị cũng tập cho con gái học cách thêu để cháu tự làm đồ dùng học tập như hộp viết, ví, móc khóa, gối trang trí... tạo cho cháu tính tỉ mỉ và nhẫn nại, hướng cho cháu các việc làm nữ tính để không có thời gian chơi game
Thêu tranh không những để giải trí, rèn luyện tính kiên trì mà còn góp phần cải thiện kinh tế. Em Trâm ở thôn Long Bình, xã An Hải, huyện Ninh Phước thêu tranh được 3 năm, một số sản phẩm của em được chủ tiệm mua lại với giá cao. “Để hoàn thiện tấm tranh có chiều dài 1m2 em phải mất thời gian một tháng rưỡi. Nếu bán đúng đối tượng, trừ đi kinh phí em lời khoảng 1,5 triệu đồng. Thêu tranh giúp em kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình “ Trâm bộc bạch.
Thêu tranh để tặng bạn bè, người thân. Nó như món quà quý chứa đựng biết bao tình cảm triều mến dành cho nhau. Với tấm tranh 1000 con chim hạt chị Nga phải mất 4 tháng mới hoàn thành, đôi bàn tay khéo léo tạo nên tấm tranh với màu sắc tinh tế, hình ảnh sống động như thật. Mỗi đường kim, mũi chỉ thấm đượm tình cảm của chị giành cho người cha đang trong cơn bạo bệnh. Tại Nhật Bản người ta tin rằng, nếu ai đó xếp đủ 1.000 con hạc giấy thì họ sẽ có một điều ước cho sự an lành, hạnh phúc và thuận lợi. Niềm tin này đã phần nào cổ vũ tinh thần, giúp nhiều người vượt qua khó khăn. Chị Nga cũng hy vọng với 1.000 con hạt trong tranh sẽ đem lại điều may mắn với bất kỳ ai nhận được món quà đó trong đó có ba chị.
Khi sự đam mê có tác dụng phụ
Sau một tháng trời tác phẩm nghệ thuật cũng hoàn thiện cũng là lúc cô Trang nhận ra căn bệnh thoái hóa cột sống đang nhen nhóm trong người mình vì ngồi thêu không đúng tư thế. Chị Lan ở phường Tấn Tài (TP. PR-TC) thêu tranh vào buổi tối tranh thủ lúc con ngủ cũng nhận ra mắt trở nên yếu hẳn, nhìn mọi vật thấy lờ mờ. Chị đi khám mắt thấy tăng thêm độ vì điều tiết mắt vào những lỗ đâm kim nhỏ của tranh thêu, không có thời gian cho mắt nghỉ ngơi. Theo các chuyên gia cho rằng: sự tập trung khiến nhiều người thường quên đi phản ứng chớp mắt.
Anh Tâm ở phường Thanh Sơn (TP.PR-TC) tâm sự: từ ngày đem về tấm tranh chữ thập, vợ anh cứ ngồi thêu miệt mài, đến nỗi quên bữa cơm, công việc gia đình lơ đễnh, cuộc sống hằng ngày bị xáo trộn, gia đình lục đục cả tháng nay. Nhìn đứa con ốm hẳn anh xót xa.
Được biết, tranh thêu chữ thập được bày bán khắp mọi nơi trên địa bàn tỉnh, đa phần tranh có xuất xứ Trung Quốc mẩu mã đẹp mắt, màu sắc sinh động. Tuy nhiên chưa có cơ quan chức năng nào khẳng định nó an toàn với người tiêu dùng, mặc dù nó được sử dụng rộng rãi và có mặt hầu hết trong từng gia đình. Vì lẽ đó mỗi người hãy chủ động bảo vệ sức khỏe của chính mình. Hãy cân bằng cuộc sống đừng để niềm đam mê quá mức làm rạn nứt hạnh phúc gia đình. Hãy sử dụng thời gian hợp lý để tạo ra sản phẩm với những giá trị đích thực để thời gian ta bỏ ra là không hao phí.
Hồng Chỉ