Ngay cả ở những thành phố lớn như Melbourne hay Sydney, người ta cũng khó có thể gặp những sự kiện rầm rộ để cổ vũ cho Socceroos, bất chấp trận Australia - Chile diễn ra vào một khung giờ khá hợp lý (8 giờ sáng thứ Bảy - giờ địa phương). Sở dĩ như vậy là do người Australia yêu bóng đá, nhưng... là thứ bóng đá của riêng họ.
Bóng đá kiểu Australia
Tương tự như ở Mỹ, Australia cũng có môn bóng đá của riêng mình. Họ gọi đó là “football”, còn môn “football” được phần lớn nhân loại thừa nhận thì với người Australia đấy là “soccer”. Và môn bóng đá theo cách gọi của người Australia (thực chất là bóng bầu dục) mới là môn thể thao được người dân nước này hâm mộ nhất. Ngược lại, bóng đá “xịn” chỉ đứng hàng thứ yếu. Theo thống kê về số lượng khán giả đến sân, lượng khán giả xem truyền hình cũng như thu nhập của các VĐV thì bóng đá luôn bị xếp đội sổ so với bóng bầu dục (gồm 2 giải Rugby và một giải bóng đá kiểu Australia - AFL).
Giải thích cho điều kì lạ này, những người bạn Australia của tôi nói rằng, môn bóng đá kiểu Australia được ưa chuộng hơn vì theo quan điểm của họ: Đây mới là những môn thể thao đích thực dành cho đàn ông. Nó vừa đòi hỏi khéo léo, tốc độ, sức mạnh lẫn sự quyết liệt (trên sân các cầu thủ va chạm, lao vào cản phá chẳng khác gì đang đánh nhau). Ngược lại, môn bóng đá mà cả thế giới đam mê dưới con mắt người Australia là quá ẻo lả, nhẹ nhàng.
Chi tiết sau có thể phơi bày sự nhất bên trọng nhất bên khinh của người Australia giữa bóng đá và bóng bầu dục. Tuy Australia đăng cai VCK Asian Cup 2015, nhưng nước này không xây dựng thêm bất kì SVĐ mới nào. Cả 5 SVĐ sẽ được sử dụng đều là những sân cũ, và nhiều sân vẫn được dùng song song cho cả bóng đá lẫn bóng bầu dục. Trong khi đó, người ta sẵn sàng đầu tư những khoản tiền kếch xù cho bóng bầu dục. Ví dụ như tại bang Nam Australia, chính quyền vừa bỏ ra tới 575 triệu dollar Australia để mở rộng SVĐ Oval cho môn bóng đá kiểu Australia, cũng như sẽ sử dụng tại giải World Cup Cricket vào sang năm (dù giải đấu này chỉ có 14 đội tuyển tham dự, tức là số lượng thua VCK Asian Cup vốn có 16 đội).
Hệ lụy của kẻ bị bỏ rơi
Do không được công chúng đón nhận, nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi bóng đá Australia sa sút rõ rệt. Việc đội tuyển Australia mang tới World Cup lần này tới 7 người đang thi đấu ở trong nước, so với 3 ở World Cup 2006 và 2 ở World Cup 2010 là minh chứng rõ nhất cho sự khan hiếm tài năng của nền bóng đá nước này. Cần phải nhấn mạnh rằng A-League chưa bao giờ được coi là một giải đấu mạnh. Từ năm 2009 đến nay chưa có đại diện A-League nào lọt vào nổi đến bán kết Champions League châu Á (4/5 mùa còn sạch bóng ngay từ tứ kết).
Ngay cả chuyện HLV nội, ông Ange Postecoglou (một người Hy Lạp nhập cư, hoàn toàn vô danh trên bình diện quốc tế) có vinh dự dẫn dắt Socceroos tại giải đấu lần này cũng là một bước thụt lùi, khi LĐBĐ Australia không thể tìm cho đội nhà 1 tên tuổi tầm cỡ như Hiddink ở World Cup 2006 hay Verbeek ở Nam Phi 2010.
Có lẽ, vì không khí World Cup tại Australia quá nhạt nhòa, nên từ hôm 10/6, thành phố Melbourne đã thả lên trời một khinh khí cầu khổng lồ hình Chúa Jesu mô phỏng theo bức tượng Chúa nổi tiếng tại thành phố Sao Paulo của Brazil, cùng dòng chữ “Keep the faith” (giữ vững niềm tin) cho thêm phần khí thế. Chỉ có điều, chắc chẳng có Chúa trời nào có thể giúp một đội tuyển bị bỏ rơi như Australia có thể gây bất ngờ trước Chile!
2 Trong 15 trận đấu gần nhất, ĐT Chile chỉ thua đúng 2 trận trước 2 đối thủ cực mạnh là Đức và Brazil, còn lại họ đã thắng đến 10 trận.
8 Trong lịch sử 10 trận thi đấu ở các VCK World Cup thì có 8 trận ĐT Australia chỉ hòa và thua, họ cũng chỉ ghi được tổng cộng có 8 bàn.
2005 Phải đến tận năm 2005, LĐBĐ Australia (FFA) mới chuyển tên gọi của mình từ “soccer” (Australia Soccer Association) sang “football” (Football Federation Australia) cho phù hợp với tên gọi quốc tế.
Đội hình dự kiến
Chile: Bravo - Jara, Medel, Gonzalez - Isla, Vidal, Diaz, Beausejour - Sanchez, Vargas, Fernandez.
Australia: Ryan - Franjic, Spiranovic, McGowan, Davidson - Milligan, Jedinak, Bresciano - Halloran, Cahill, Oar.
Nguồn Thethaovanhoa.vn