Giá thuốc của Việt Nam rẻ hơn các nước xung quanh
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2013, giá thuốc luôn đứng thứ 9 trong 11 nhóm hàng thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ kế hoạch và Đầu tư) với mức độ tăng giá nhóm hàng dược phẩm là 3,45% thấp hơn mức tăng CPI 6,04% và 4 tháng đầu năm 2014 là 0,74% so với chỉ giá tiêu dùng là 0,88%.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế cũng đã tổ chức một đoàn công tác liên ngành gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Về các vấn đề xã hội và các chuyên gia đi khảo sát 36 mặt hàng phổ biến trong các bệnh viện ở 2 nước Trung Quốc và Thái Lan. Tổ chức y tế thế giới kết hợp với Viện Chiến lược chính sách cũng điều tra đánh giá thuốc của Việt Nam thấp hơn của Trung Quốc từ 1,5 đến 2 lần, thấp hơn của Thái Lan là 2 đến 3 lần. Đồng thời, xem xét giá khoảng 3.000 mặt hàng thuốc để xem sự tăng giá thuốc trong thời gian vừa qua của Việt Nam như thế nào với tốc độ tăng của giá thuốc trên thế giới. Kết quả đánh giá cho rằng, đối với thuốc nội tốc độ tăng thấp nhưng đối với thuốc nhập khẩu thì tốc độ tăng mức trung bình. Qua đó thấy, giá thuốc của Việt Nam không phải là giá cao nhất.
Đã quản lý khá chặt giá thuốc
Bộ trưởng Y tế cho biết, việc quản lý giá thuốc hiện nay là do 3 Bộ: Tài chính, Công thương và Y tế, các hội đồng chuyên môn đảm nhiệm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế đã nêu bất cập trong cách quản lý hiện nay và đề nghị: Trong Luật Dược trình Quốc hội ở kỳ họp tới, Bộ Y tế cũng mong muốn không quản lý giá. Bởi theo lý giải của Bộ trưởng, vừa quyết định nhập khẩu, vừa xây dựng các tiêu chuẩn, vừa sản xuất, vừa phân phối, vừa ghi toa, vừa bán thuốc mà thuốc người bệnh không thể mặc cả được đối với ngoài thị trường, “như vậy gọi là vừa đá bóng vừa thổi còi”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết, quản lý giá thuốc hiện nay vẫn theo Luật Dược cũ (năm 2005), gần đây là theo Luật Giá và trong Luật Đấu thầu vừa qua có thêm một chương đấu thầu về thuốc. Trong 2 năm qua, Bộ Y tế đã quản lý, đấu giá thuốc, đấu thầu thuốc bằng Thông tư 01 và sau này đổi thành Thông tư 36, 37. Ở các nước chỉ quản lý đối với thuốc do ngân sách chi trả như bảo hiểm y tế, còn thuốc ngoài thị trường thì để quy luật thị trường chi phối. Nhưng chúng ta, kể cả thuốc ngoài thị trường vẫn quản lý theo phương thức kê giá. Hiện nay, thuốc bảo hiểm y tế có khoảng 900 hoạt chất và khoảng hơn 10.000 loại thuốc, ở ngoài thị trường khoảng 1.500 hoạt chất và 22.000 loại thuốc. Nhưng ở các nước đối với thuốc bảo hiểm họ chỉ quản lý 500 - 700 hoạt chất và đối với thuốc ngoài thị trường họ để cho quy luật thị trường tự điều khiển. “Như vậy, quản lý của chúng ta cũng khá chặt cả thuốc bảo hiểm lẫn cả thuốc ngoài thị trường”, Bộ trưởng khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng “đương nhiên giữa các hiệu thuốc với nhau có cạnh tranh, không thể giống nhau. Chúng ta cho dao động xung quanh một biên độ giá, phải kê khai và có tổ quản lý liên ngành thị trường quản lý”.
Người đứng đầu ngành Y tế cũng bày tỏ mong muốn phát triển công nghiệp dược để trở thành mũi nhọn, tiến tới Việt Nam càng tự túc nhiều thuốc trong nước càng tốt, hiện nay cũng có một số thuốc đã được xuất khẩu, thuốc Việt Nam nói chung là chất lượng tốt và giá cả vừa phải. “Chúng tôi mong muốn làm sao thuốc ở Việt Nam có chất lượng mà giá cả vừa phải để phục vụ mọi người dân, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo, với quỹ bảo hiểm y tế.” /.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam