Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều ngày 11/6.
(Ảnh: dangcongsan.vn)
Giảm số lượng văn bản, tránh tình trạng chồng chéo
Trả lời các đại biểu về việc dư luận phản ánh hiện tượng cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích riêng của bộ, ngành trong một số văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, hiện nay theo Luật Ban hành văn bản pháp luật, Bộ được giao thẩm định các loại văn bản từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, còn lại Thông tư và Thông tư liên tịch của các Bộ được giao cho vụ pháp chế của các Bộ thẩm định.
Với chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra các văn bản của các bộ và cơ quan ngang bộ. Trong quá trình hậu kiểm này, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ chưa phải là vấn đề nổi lên.
Về vấn đề thủ tục phát mại tài sản để thu hồi nợ của các ngân hàng - qua quá nhiều quy trình, Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải thích: Quy trình phát mãi tài sản (nhất là bất động sản) có liên quan đến vấn đề giá cả, thị trường nóng nguội. Thi hành án thường liên quan đến giá cả do bản án tuyên (hiện nay giá nhà đất thấp), nên việc đánh giá thế nào để định giá tài sản thi hành án vẫn còn khó.
Luật thi hành án dân sự có thể là tài sản của người dân, cũng có thể của tổ chức, nhà nước nên cũng cho quyền của chủ sở hữu có quyền yêu cầu đánh giá đi, lại về tài sản của mình, không thừa nhận kết quả đấu giá.
Bộ vừa thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án luật sửa đổi thi hành án dân sự, theo đó chủ sở hữu chỉ được khiếu nại về định giá một lần thôi. Việc định giá cũng theo hướng xã hội hóa cho công ty được định giá chứ không chỉ là sở tài chính.
Bộ trưởng cũng cho rằng, từ khi thực hiện công việc đổi mới thì chúng ta mới quan tâm đến công tác xây dựng văn bản pháp luật và thấy là còn nhiều chồng chéo. Chẳng có quốc gia nào hệ thống pháp luật lại phức tạp như hiện nay. Nhiều luật mẹ chưa có nhưng đã có luật con, điều này cho thấy hệ thống pháp luật của chúng ta phức tạp nhất thế giới", Bộ trưởng thẳng thắn.
Để giải quyết tình trạng trên, Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ đã đề xuất giảm số lượng văn bản, cụ thể là giảm lượng văn bản của Chính phủ, Bộ trưởng... Bởi, việc có quá nhiều văn bản pháp luật khác nhau, nhiều chủ thể khác nhau khiến việc tuân thủ pháp luật trở nên khó khăn.
Quyết liệt chấn chỉnh việc nợ đọng văn bản
Trả lời các đại biểu về tình trạng nợ đọng văn bản vẫn còn tăng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, tính đến ngày 5/6, số văn bản nợ đọng là 50. Như vậy, không những giảm mà còn tăng so với báo cáo của Chính phủ vào kỳ họp thứ 6.
Bộ trưởng cho rằng, số nợ như vậy chiếm 19,9% so với số văn bản phải ban hành. Chính phủ rất kiên quyết, quyết liệt để chấn chỉnh việc nợ văn bản. Một số bộ, ngành đã hứa quyết tâm không để tình trạng nợ đọng văn bản xảy ra trong thời gian tới. Để làm được việc đó, tới đây cần phải có những chế tài cụ thể hơn, hướng tới kỷ cương, kỷ luật tốt hơn.
Về việc trong năm 2013, việc thi hành án dân sự chưa đạt chỉ tiêu do Quốc hội giao, án tồn đọng còn 239.144 vụ việc; việc thực hiện một số chỉ tiêu khác theo Nghị quyết của Quốc hội vẫn chưa đạt yêu cầu, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, một số chỉ tiêu của Nghị quyết rất khắc nghiệt như thi hành án bảo đảm thời gian 100%. Năm 2013 chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao cả về việc và tiền. Quốc hội cũng giao chỉ tiêu phân loại án bảo đảm chính xác, có điều kiện thi hành và không có điều kiện thi hành. Rõ ràng năm 2013 phân loại án tiến bộ hơn.
Về việc chuyển án từ kỳ này sang kỳ khác, Bộ trưởng đồng tình và giải thích “án tồn đọng” là vấn đề rất dai dẳng của thi hành án dân dự. Số chuyển từ năm 2013 sang 2014 là 240.000 việc, giảm hơn 100.000 việc cho thấy sự cố gắng lớn.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam