Dưới cái nắng gay gắt của vùng ven biển miền Trung, các công nhân, thợ đóng tàu tại Công ty ứng phó sự cố tràn dầu dịch vụ hàng hải Bảo Duy, TP. Đà Nẵng vẫn miệt mài sửa chữa và đóng mới hàng chục tàu cá để ngư dân miền Trung kịp ra khơi.
Tàu lớn 1.150 CV của ngư dân Nguyễn Sương. Ảnh VGP/Lưu Hương
Đóng tàu lớn vươn khơi
Bên con tàu đang được hoàn thiện, ngư dân Đồng Minh Vương (phường Mỹ An, quận Sơn Trà) - người đã 18 năm đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa cho biết, con tàu đóng mới này có công suất hơn 810 CV, dự kiến đầu tháng 7 sẽ hạ thủy. Để đóng mới con tàu này anh được TP. hỗ trợ 800 triệu đồng.
Anh Vương chia sẻ: “Đối với ngư dân miền Trung, ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt. Đây là vùng đánh bắt cá bao đời của cha ông. Người dân bao năm sống nhờ biển, nên sẽ quyết tâm bám biển. Chúng tôi thường khai thác theo theo tổ, nhóm từ 10 đến 12 tàu để có thể hỗ trợ nhau khi gặp sự cố trên biển”.
Tại xưởng sửa chữa tàu cá của HTX trục vớt và đóng sửa tàu Bắc Mỹ An hàng trăm công nhân vẫn miệt mài làm việc, ông Nguyễn Văn Sự, quản lý bộ phận sửa chữa tàu thuyền cho biết, gần 1 tháng qua, nhiều ngư dân yêu cầu sửa chữa tàu khẩn trương để họ nhanh chóng trở lại ngư trường Hoàng Sa, nên 300 công nhân trong xưởng phải làm việc cật lực. Hầu hết các công nhân đều làm thêm 1-2 giờ, thậm chí cả ban đêm để đóng mới và sửa chữa tàu.
Tại HTX đóng mới sửa chữa tàu biển Cổ Lũy ở xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, có 30 tàu đang được khẩn trương hoàn thành, trong đó có hơn một nửa số tàu chuẩn bị hạ thủy. Mỗi con tàu đóng mới tại cơ sở này có giá từ 3-3,5 tỷ đồng. Vài năm trở lại đây, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi làm ăn khấm khá, nhiều người đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi bám biển dài ngày.
Tại TP. Đà Nẵng, từ giữa tháng 5, có 4 tàu công suất lớn vừa đóng mới hạ thuỷ vươn ra vùng biển Hoàng Sa. Trong đó, 2 tàu công suất 1.150 CV của ông Nguyễn Sương (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) đã được hạ thủy. Đây là 2 chiếc tàu thuộc nhóm những tàu công suất lớn nhất miền Trung hiện nay.
Ông Nguyễn Sương cho biết tổng số tiền đầu tư vào 2 tàu khoảng 9 tỷ đồng, trong đó nguồn vay ngân hàng khoảng 5 tỷ đồng. Hiện nay, con tàu này đã vươn khơi ra vùng biển Hoàng Sa đánh bắt thủy sản.
Ngoài việc đóng mới tàu, hiện nay, do nhu cầu đánh bắt xa bờ, bà con ngư dân các tỉnh miền Trung cũng đã cải hoán, nâng cấp nhiều tàu cá công suất nhỏ thành công suất lớn, quyết tâm bám biển để bảo vệ ngư trường truyền thống, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Tại các xưởng đóng tàu, không khí làm việc diễn ra hối hả, khẩn trương. Ảnh VGP/Lưu Hương
Tiếp sức ngư dân bám biển
Để hỗ trợ ngư dân vươn khơi, ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cho biết: Trong 3 năm qua, Đà Nẵng đã chi gần 8 tỷ đồng để hỗ trợ đóng mới 15 tàu công suất lớn. Mỗi tàu cá của ngư dân đóng mới công suất trên 400 mã lực được hỗ trợ từ 400-800 triệu đồng và toàn bộ lệ phí đăng kiểm.
Hiện TP. đang triển khai thành lập “Quỹ hỗ trợ ngư dân” và mua bảo hiểm cho thuyền viên, giúp bà con trang bị tiện thông tin liên lạc tàu cá. Sắp tới, những tàu từ 600 CV trở lên sẽ có chính sách hỗ trợ từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng.
Ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi cho biết: 3 năm qua, mỗi năm ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đóng mới trên 100 tàu công suất từ 400 đến 600 CV. Trong thời điểm hiện nay, tỉnh càng chú trọng vận động người dân đóng mới tàu có đủ điều kiện bám biển dài ngày, với những trang thiết bị bảo quản thủy sản để nâng cao hiệu quả của các chuyến biển.
Tại hội nghị phát triển thủy sản tại Đà Nẵng mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định chủ trương hoán đổi tàu cá vỏ sắt thay thế tàu vỏ gỗ cho 3.000 tàu cá đầu tiên trong tổng số hơn 130.000 tàu cá của cả nước. Sự hỗ trợ tích cực này tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi bám biển đánh bắt dài ngày hơn….
Nguồn www.chinhphu.vn