Nhớ Trường Sa

(NTO) Những cơn mưa đầu mùa mang theo làn gió nhẹ mát dịu như “thay áo” cho quê nắng Ninh Thuận. “Ở mình mưa rồi hả chị? Ngoài này cũng mưa rồi đó!”, giọng nói như reo vui của người lính trẻ nơi tiền tiêu Tổ quốc khiến lòng tôi xuyến xao, bồi hồi lại nhớ Trường Sa.

 
Phút thư giãn của các chiến sĩ trẻ trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Bảo Bình

Đến với quần đảo thân yêu vào những ngày giông bão, con tàu dập dềnh theo sóng. Chúng tôi nhìn về phía đảo vững vàng, kiên cố giữa biển trời mà thêm cảm phục, thêm háo hức chờ giây phút được đặt chân lên đảo, được tay bắt mặt mừng những con người dũng cảm của Tổ quốc, như những người thân trong gia đình. “Ở đảo, anh em sống gần gũi, yêu thương nhau lắm!” là câu nói quen thuộc của các cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ở đảo xa. Đó đã là điều tự nhiên, như sóng vỗ vào bờ, sóng ôm lấy đảo. Mà phải nhìn thật kỹ từng cử chỉ, hành động, nghe thật chậm những tiếng nói, giọng cười của các anh, mới hiểu sự gắn bó giữa họ, mới thấy được trong tình đồng chí, đồng đội còn có cả tình cảm gia đình và một thứ tình thân khó gọi tên chính xác. Họ đâu chỉ tường tận hoàn cảnh gia đình, suy nghĩ, tình cảm của nhau mà còn thuộc từng tiếng bước chân, tiếng hắc hơi của đồng đội mình.

Nhớ đảo, tôi nhớ cuộc sống thanh bình, thắm tình đoàn kết quân-dân. Ai gặp ai cũng trao nhau những nụ cười, những lời hỏi han như thân thiết từ lâu lắm rồi. Người ta không cần quá nhiều lễ tiết để làm quen với nhau. Cũng không cần phải quan trọng chức vụ, địa phương, nghề nghiệp, tất cả chan hòa trong một mối tình cảm được gọi tên “đồng bào”. Bên ấm trà nóng và hương cà phê dịu nhẹ, chúng tôi ngồi với cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo Trường Sa. “Quán cà phê đường băng” là tên gọi mà mọi người thân thương đặt cho nơi tụ họp này. Từng đường nét gương mặt của mỗi người hiện lên dưới ánh đèn điện vàng ấm áp. Phía trên bầu trời, trăng tròn đầy như cũng đang ngắm nhìn đảo, dõi theo câu chuyện của chúng tôi. Giữa tiếng cười nói rộn ràng, thỉnh thoảng lại có những khoảng lặng, tiếng sóng vỗ bờ vọng lại rõ ràng hơn. Tôi cứ muốn khoảng lặng kéo dài thêm, để lan tỏa trong mình những cảm xúc trìu mến, dịu dàng.

 
Đảo Song Tử Tây. Ảnh: Nguyễn Trung

Nhớ đảo, tôi nhớ những cơn mưa. Hạt mưa vừa giống nốt nhạc rơi vào không gian, vừa dễ thương như nụ cười của lính. “Lính đảo đợi mưa” (thơ: Trần Đăng Khoa, nhạc: Quỳnh Hợp) là một bài hát được nhiều người biết, nhiều người hát. Nhưng câu chuyện về anh lính đảo đợi mưa, ngày vợ sinh con cũng là ngày trời đổ cơn mưa to, liền đặt tên con là Thiên Thủy, thì không phải ai cũng biết. Thế là, tiếng mưa rơi trên đảo như tiếng con thơ thì thầm với anh.

Nhớ đảo, tôi nhớ những chàng trai Ninh Thuận đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền giữa trùng khơi sóng biếc. Cái vẫy tay chào tạm biệt nhìn không khác mấy so với cái vẫy tay lúc đón chúng tôi lên đảo, nhưng lại mang những tâm tình mà các anh muốn nhắn gửi về đất liền. Đó là tình cảm dành cho gia đình, là lời thề quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, là sự vững chãi, kiên cường trước sóng gió Biển Đông.