CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Ai chở mùa hè của em đi đâu?

(NTO) Hàng năm cứ đến mùa ve kêu, phượng nở là học sinh lại náo nức đón chào mùa hè với bao dự định làm sao “tiêu” cho hết thời gian 3 tháng hè một cách thiết thực và bổ ích nhất. Vậy là đối với những học sinh thành thị thì tùy theo hoàn cảnh, điều kiện có thể được gia đình tạo cho một chuyến du lịch xa nhà để tìm hiểu thêm về quê hương, đất nước hay được cha mẹ cho về quê nội, ngoại để chơi đùa, thăm thú… Nếu là học sinh ở nông thôn thì tùy theo lứa tuổi nhưng gần như ai cũng thích trò chơi thả diều, câu cá hoặc tranh thủ phụ giúp công việc đồng áng của gia đình… Tuy nhiên, đấy chỉ là “câu chuyện” của ngày xưa, thậm chí là xưa như… cổ tích.

 
Niềm vui ngày hè. Ảnh: Kim Hoàn

Chuyện ngày nay đó là vừa dứt năm học cũ là phụ huynh của mọi lứa tuổi học trò đã chạy đôn, chạy đáo “tầm sư” cho con học… thêm với mong muốn lớn nhất là để con bắt kịp với bạn học trong lớp về kiến thức, nhất là các môn học tự nhiên: toán, lý, hóa hoặc thêm môn ngoại ngữ… khi bước vào năm học mới. Cả lớp mẫu giáo cũng thế, các cháu cũng phải học để “vững tin” vào lớp Một – lớp đầu tiên mở đầu cho tuổi học trò. Riêng đối với học sinh chuẩn bị bước vào lớp cuối cấp THPT thì tất bật hơn bao giờ hết vì trước mắt các em là một năm học quan trọng để chuẩn bị bước vào “học nghề” để thực sự vào đời…

Có thể nói, nhiều năm qua ý nghĩa của ngày nghỉ hè không còn “nguyên giá trị” với học sinh và nếu không muốn nói là cả với không ít giáo viên vì phải dành gần như hết thời gian trong ngày để “ôn tập” kiến thức cho học sinh chuẩn bị vào lớp trên. Có lẽ cũng vì “nguyên do” đó mà Chính phủ cho phép các trường điều chỉnh thời gian học sớm hơn để dành ngày nghỉ vào dịp tết dài hơn chăng!.

Để mùa hè thực sự ý vị như bao thế hệ học trò đã trải qua, mong rằng các bậc phụ huynh cần quan tâm đến thời gian giải trí của con em mình một cách hợp lý. Nếu quá thúc ép vào việc học sẽ làm tổn thương đến tâm sinh lý lứa tuổi và tất nhiên là hậu quả sẽ khó lường. Đã có không ít trường hợp học sinh đi “học thêm” tại các tiệm Internet với các trò chơi độc hại, trong khi phụ huynh vẫn tin rằng con em mình đang học với thầy cô! Suy cho cùng, hãy trả lại cho các em mùa hè đích thực, đừng “chở” mùa hè của các em đi “biền biệt” theo ý chí của người lớn để rồi hậu quả các em nhận lấy là sự khô cứng của tâm hồn, trí tuệ, sức khỏe bởi sức ép của việc học!