Đầu tiên phải kể tới tiếng ồn phát ra từ các phương tiện tham gia giao thông. Trên một số tuyến đường có mật độ qua lại cao như đường 21 Tháng 8, đường Thống Nhất, đường Ngô Gia Tự…, những động cơ “rệu rã”, tiếng còi xe bấm inh ỏi, tiếng nẹt ống bô hay tiếng rít phanh đều là nguồn tạo ra tiếng ồn, gây khó chịu cho người đi đường. Tại tỉnh ta, các loại hình giao thông từ xe khách, xe bus đến tàu hỏa, máy bay quân sự đều có đủ. Lượng tiếng ồn phát ra từ các phương tiện này gây ảnh hưởng không nhỏ tới người dân. Chị Hoàng Thị Linh, ở phường Phủ Hà chia sẻ: Tôi rất sợ khi đi ngoài đường, xe ô tô và đặc biệt là xe tải bấm còi hơi đột ngột khiến tôi hay bị giật mình, mất tập trung, tay lái lại chệnh choạng.
Nhiều loại phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm tiếng ồn.
Tiếng ồn phát ra từ các máy móc trên công trường xây dựng, hay từ các xưởng cưa, xưởng cơ khí…cũng là nhân tố không nhỏ góp phần làm “tiếng ồn đô thị” trở nên khuếch đại. Như trên tuyến đường 21 Tháng 8, nhiều hộ sống ven đường gần đây kêu ca rằng mỗi lần có máy trộn bê-tông, máy ủi, máy khoan, máy búa hơi nện đường… hoạt động (xây dựng hệ thống thoát nước) thì từ già trẻ, trai gái đều cảm thấy “đau đầu, nhức óc”. Ngoài ra, không thể không kể tới tiếng ồn trong sinh hoạt hàng ngày. Loại tiếng ồn này diễn ra thường xuyên và phụ thuộc chủ yếu vào ý thức của con người. Em Phạm Sơn, ở phường Đô Vinh tâm sự: Mỗi lần có đám cưới là em không thể nào học bài được do âm thanh phát ra từ nhà hàng tiệc cưới bên cạnh. Những hôm như vậy, em thường phải học muộn và thức khuya hơn ngày bình thường. Quả thật, đơn giản như tiếng tivi, tiếng karaoke, hay tiếng cười nói quá to bên nhà hàng xóm, nhiều hơn nữa là tiếng hàng chục chiếc loa công suất lớn phát ra từ các nhà hàng, tiệc cưới, hội chợ, cửa hàng điện máy.... cũng đủ làm sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của mỗi người bị ảnh hưởng.
Thực tế và nghiên cứu đều cho thấy: tiếng ồn vượt quá mức cho phép có thể làm suy giảm hứng thú và hiệu suất làm việc, nhất là đối với lao động trí óc, làm ảnh hưởng xấu tới tim, huyết áp, dạ dày; gây mệt mỏi, mất ngủ, tổn thương chức năng thính giác và làm suy nhược thần kinh… Để làm giảm tiếng ồn có nhiều cách. Chủ quán Karaoke Huy Hoàng trên đường Ngô Gia Tự cho biết: “Để các phòng Karaoke đảm bảo kín âm, không bị lọt ra ngoài gây ồn, chúng tôi đều sử dụng xốp để cách âm, tiêu âm khi thiết kế các phòng.” Anh Trần Thanh Tuấn ở phường Đô Vinh nêu ý tưởng: “Tôi thấy trồng nhiều cây xanh vừa giúp bảo vệ môi trường vừa là cách tốt nhất để giảm thiểu tiếng ồn quanh khu vực mình sinh sống. Ngoài ra, mỗi chủ sở hữu các máy móc hoặc phương tiện trong xây dựng, giao thông thường xuyên bảo dưỡng các máy móc, thiết bị để giảm, tránh tiếng ồn cũng là việc làm cần thiết”…
Cảnh người dân sống chung với tiếng ồn quả khó tránh khỏi trong nhịp sống đô thị. Tuy nhiên, nếu mỗi người đều nâng cao ý thức tự giác, tôn trọng người khác bằng việc giảm thiểu tiếng ồn do mình gây nên thì đảm bảo chất lượng môi trường sống, sức khoẻ và hiệu quả công việc của không chỉ riêng họ mà những người quanh họ đều được tăng lên.
Thanh Phong