Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và cần được bảo vệ tốt nhất có thể.
Ảnh minh họa: ILO
Theo “Báo cáo Bảo trợ Xã hội Thế giới 2014/15: Phục hồi kinh tế, phát triển toàn diện và công bằng xã hội”, chỉ có 27% dân số thế giới được tiếp cận đầy đủ với bảo trợ xã hội.
“Năm 1948, cộng đồng quốc tế đã nhận thức được rằng, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, người ở độ tuổi lao động bị thất nghiệp hoặc thương tật và người cao tuổi là quyền của con người”, Phó Tổng Giám đốc ILO Sandra Polaski khẳng định. “Tuy nhiên, đến năm 2014, cam kết bảo trợ xã hội toàn cầu vẫn chưa được thực hiện đối với phần lớn dân số thế giới”.
Bảo trợ xã hội là một công cụ chính sách quan trọng giúp giảm thiểu đói nghèo và bất bình đẳng, đồng thời cũng thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, bởi vì nó giúp nâng cao sức khỏe và năng lực của các nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội, tăng năng suất lao động, kích cầu nội địa và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế quốc dân.
“Bảo trợ xã hội thậm chí còn không thể phủ nhận trong thời điểm kinh tế bất ổn, tăng trưởng chậm và bất bình đẳng đang ngày một tăng. Đây cũng là một vấn đề mà cộng đồng quốc tế cần đặc biệt lưu ý trong chương trình phát triển hậu – 2015”, bà Polaski nói thêm.
Bảo trợ xã hội có nhiều chức năng quan trọng trong các nền kinh tế và xã hội. Các chức năng này đã trở nên đặc biệt rõ ràng trong suốt cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính gần đây. Trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng (2008 – 2009), ít nhất 48 quốc gia có thu nhập cao và trung bình đã tiến hành các gói kích thích kinh tế với tổng giá trị lên đến 2.400 tỷ USD, trong đó khoảng ¼ dành cho các biện pháp bảo trợ xã hội. Sự hỗ trợ này đã đóng vai trò như một biện pháp bình ổn tự động giúp các nền kinh tế tìm lại sự cân bằng và bảo vệ những người thất nghiệp, những người dễ tổn thương nhất trong cuộc khủng hoảng kinh tế tại các quốc gia bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn thứ hai của cuộc khủng hoảng, từ năm 2010 trở lại đây, nhiều quốc gia đã xoay ngược tình hình và tập trung vào các biện pháp củng cố tài khóa, mặc dù vẫn còn nhu cầu cấp bách là tiếp tục hỗ trợ nhóm dân cư dễ bị tổn thương và bình ổn tiêu dùng.
“Trái với các ý kiến thu nhận được, các biện pháp củng cố tài khóa không chỉ giới hạn ở châu Âu” - bà Isabel Ortiz, Giám đốc Văn phòng Bảo trợ Xã hội của ILO, cho biết. “Trên thực tế, có đến 122 chính phủ đã giảm chi tiêu công trong năm 2014, trong số đó có 82 nước đang phát triển”.
“Những biện pháp này liên quan đến các cải cách chế độ lương hưu, các hệ thống y tế và an sinh xã hội, thường góp phần làm giảm mức độ bao phủ hay đầu tư cho những hệ thống này, loại bỏ trợ cấp và cắt giảm nhân sự ngành y tế/hoạt động xã hội hoặc giảm tiền lương của họ. Vì vậy, chi phí cho việc củng cố và điều chỉnh tài khóa ảnh hưởng trực tiếp tới người dân vào thời điểm việc làm rất hiếm và sự hỗ trợ cần hơn bao giờ hết”, bà Ortiz cho biết thêm.
Các xu hướng gần đây chỉ ra rằng, một số quốc gia có thu nhập cao đang thu hẹp hệ thống an sinh xã hội. Trong Liên minh châu Âu, việc cắt giảm bảo trợ xã hội đã góp phần làm gia tăng nghèo đói, gây ảnh hưởng tới 123 triệu người hay 24% dân số, trong đó có nhiều trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi và người khuyết tật.
Trong khi đó, các nước thu nhập trung bình lại mở rộng hệ thống an sinh xã hội của họ, hỗ trợ thu nhập của các hộ gia đình và do đó thúc đẩy tăng trưởng nhờ kích cầu và phát triển toàn diện. Brazil là một minh chứng khi đã tăng cường tốc độ mở rộng độ bao phủ của bảo trợ xã hội và mức lương tối thiểu từ năm 2009.
Một số quốc gia có thu nhập thấp, chẳng hạn như Mozambique, cũng đã tăng cường an sinh xã hội, tuy nhiên thường là thông qua mạng lưới an toàn tạm thời với mức hưởng lợi thấp. Nhiều quốc gia trong số này hiện đang nỗ lực xây dựng các nền tảng an sinh xã hội trong khuôn khổ các hệ thống bảo trợ xã hội toàn diện.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam