Giải khát vỉa hè và nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm

(NTO) Giải khát vỉa hè là một dịch vụ gần như không thể thiếu được ở các thành phố, thị tứ. Một cốc sinh tố hay một cốc nước mía mát lạnh có thể làm khách hàng thỏa mãn được cơn khát, dịu bớt đi cái nắng nóng khó chịu, nhưng điều đáng bận tâm là mặt hàng này có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cao.

“Nhan nhản” quán nước vỉa hè

Khu vực Tp. Phan Rang- Tháp Chàm là nơi tập trung nhiều nhất các quán kinh doanh giải khát vỉa hè, đặc biệt là ở những khu vui chơi, giải trí tập trung đông người qua lại như Quảng trường 16 Tháng 4, Công viên 21 Tháng 8, Cung Thiếu nhi tỉnh… Khảo sát riêng tuyến đường 21 Tháng 8 – đường 16 Tháng 4 (điểm đầu là từ ngã 3 chợ Đô Vinh và điểm cuối là bãi biển Ninh Chữ), chúng tôi nhận thấy có trên 30 quán bán giải khát vỉa hè.

Nhiều quán bán nước ép hoa quả không đảm bảo yêu cầu về ATVSTP theo quy định.

Có quán bán cà phê, quán bán nước mía, có quán bán các loại sinh tố, nước ép hoa quả, hay các loại nước đóng chai… Khách đến các quán nước giải khát vỉa hè nhiều thành phần, từ công chức đến học sinh, công nhân, lao động tự do… Em Hoàng Minh, học sinh trường THPT Ninh Hải cho biết: “Không chỉ là để giải khát, học sinh chúng em thường ngồi ở các quán giải khát vỉa hè vì đồ uống ở đó cũng phong phú và đa dạng, không gian tự do, thoải mái mà giá thành lại rẻ bằng nửa các quán sang trọng khác.”

Các quán giải khát vỉa hè khá đơn giản, chỉ cần vài cái bàn, ghế và một số ly đựng nước là thành quán. Nhiều người còn nhận xay, ép các loại hoa quả theo cân nặng, giá khoảng 3-4 nghìn đồng/kg, những quán như vậy thực chất chỉ có 2 chậu nước để tráng hoa quả và 2 cái máy dùng để xay và ép. Nhiều quán mở bán cả ngày, nhưng có những quán chỉ bày bán vào buổi sáng (như một số quán sinh tố, nước ép bán theo phiên chợ) hoặc chiều tối (như ở khu vực Quảng trường 16 Tháng 4)… Nhìn chung, thời tiết càng nóng bức thì lượng khách vào quán càng đông, đặc biệt là vào mùa hè như hiện nay.

Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Buôn bán nước giải khát vỉa hè được coi là giải pháp kinh doanh cho những người muốn có thu nhập trong ngày, chi phí đầu tư ban đầu không nhiều mà lượng khách thì đảm bảo phong phú nếu biết chọn đúng địa điểm… Nhưng cũng chính vì vậy mà vấn đề ATVSTP trong các quán giải khát vỉa hè lại bị các chủ kinh doanh xem nhẹ.

Chúng tôi gọi 2 ly nước ép cà chua tại một quán vỉa hè gần chợ Tháp Chàm, chị bán hàng lựa những quả cà chua còn lem nhem bụi bẩn từ cái rổ bầy ngoài lề đường nhúng vào 2 chậu nước đặt cạnh. Thay vì rửa từng quả, chị chỉ khua khua tay vài cái rồi bỏ tất cả vào rổ. Có dao nhưng không có thớt, chị đặt từng quả cà chua lên mặt bàn trải bạt lấm lem rồi bổ chúng ra làm đôi trước khi cho vào máy ép. Cạnh đó là vỏ mấy quả chanh leo, bí đao, cà rốt chưa được thu dọn, đường và sữa để hở nên nhiều ruồi lượn vo ve. Ép xong, chị lấy tay trần bốc đá đựng trong một thùng nhựa có bề ngoài cáu bẩn và cho vào ly mang ra cho khách. Theo ghi nhận của chúng tôi, quy trình chế biến một cốc nước ép cho khách của chị cũng là quy trình chung của rất nhiều người kinh doanh mặt hàng này trên địa bàn tỉnh. Hầu hết, những địa điểm quán nước vỉa hè là những nơi lề đường, lề chợ đông xe cộ qua lại, bị ảnh hưởng rất nhiều của khói, bụi; nguyên liệu lại không được bảo quản cẩn thận mà chủ yếu là bày tràn lan cho khách hàng dễ nhìn. Rất hiếm khi gặp người bán hàng nào dùng bao tay để chế biến đồ uống cho khách hàng… nên nguy cơ bị các căn bệnh về đường tiêu hóa rất cao.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các quán nước vỉa hè hầu hết được mở một cách tự phát, nhỏ lẻ, thời gian và địa điểm kinh doanh của người bán có sự di động nên gây không ít khó khăn cho các lực lượng chức năng. Vì vậy, mỗi người dân cần chủ động, nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe bản thân, có sự cân nhắc kỹ khi sử dụng các loại đồ uống vỉa hè.