|
Đồng chí Lê Huyền Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường |
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết tỉnh ta tổ chức những hoạt động gì để hưởng ứng chủ đề của Ngày MTTG năm nay?
Đồng chí Lê Huyền: Năm 2014 được Liên Hợp quốc lựa chọn là năm quốc tế về các tiểu quốc đảo đang phát triển. Do đó, Ngày MTTG năm nay có chủ đề “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng”, nhằm nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đối với các khu vực dễ bị tổn thương như hải đảo và các khu vực ven biển. Theo đó, về phương thức và hình thức tổ chức cũng có sự đổi mới. Ngoài các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh nâng cao nhận thức về ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng; khuyến khích mọi người sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường; hạn chế sử dụng các nguồn nhiên liệu phát sinh nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính..., tỉnh ta còn tổ chức lễ phát động, ra quân làm sạch đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng, khơi thông dòng chảy, nạo vét ao, hồ, kênh mương, hệ thống thoát nước; thu gom xử lý chất thải, rác thải,... nhằm tạo cảnh quan vệ sinh môi trường sạch đẹp. Cùng với đó, tỉnh sẽ phát động phong trào trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh tại công sở, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, hộ gia đình; treo băng rôn, panô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền về chủ đề Ngày MTTG tại các nơi công cộng, các tuyến đường phố chính,… nhằm nhắc nhở mọi người cùng hành động bảo vệ môi trường. Tỉnh còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày MTTG sẽ được tổ chức vào ngày 5-6 tại thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) với nhiều hoạt động hưởng ứng như: Ra quân thu gom rác thải tại khu vực bãi biển Bình Sơn-Ninh Chử; đạp xe vì môi trường tại các tuyến phố chính của Tp.Phan Rang-Tháp Chàm; ra mắt Tổ cộng đồng giám sát hoạt động xả thải vào môi trường của các cơ sở sản xuất khu vực cụm công nghiệp Tháp Chàm...
Đại diện nhân dân xã Phước Hữu (Ninh Phước) ký cam kết tham gia bảo vệ
môi trường.
Phóng viên: Là một trong những tỉnh có biển, vậy theo đồng chí tỉnh ta đã làm thế nào để bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng nhất là trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, và đâu là giải pháp trong thời gian tới?.
Đồng chí Lê Huyền: Là địa phương có 105 km chiều dài bờ biển, tỉnh ta luôn phải hứng chịu với hầu hết các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra, đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng. Để đối phó với tình trạng này, ngày 12 - 8 - 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tiếp đó, ngày 17-3-2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1219/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. UBND tỉnh xác định có 31 nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để phân công các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố phối hợp thực hiện. Theo đó, về ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh ta sẽ huy động nguồn lực triển khai có hiệu quả các dự án đê biển, đê sông, phòng chống ngập lụt; hạn chế ngập lụt các vùng: ven sông Cái, hạ lưu sông Lu, kênh Bắc, kênh Chàm, kênh Nam và vùng thoát lũ của các hồ chứa thủy lợi.
Về quản lý tài nguyên: Tiếp tục quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên nước ngọt, tăng cường công tác bảo vệ, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm nguồn nước; giám sát chặt chẽ xả nước thải vào nguồn nước. Đẩy mạnh phục hồi và trồng mới rừng, phần đấu đến năm 2020 quỹ đất rừng của tỉnh là 158.000 ha (trong đó, rừng phòng hộ là 115.700 ha, rừng đặc dụng là 42.300 ha). Khai thác hiệu quả và bền vững sinh thái, cảnh quan, tài nguyên sinh vật, hạn chế tối đa xuất khẩu khoáng sản thô. Nâng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới lên trên 5% tổng năng lượng thương mại sơ cấp; giảm tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP.
Về bảo vệ môi trường, sẽ duy trì và bảo vệ môi trường nước sông Cái đạt quy chuẩn về chất lượng nước mặt loại A. Phấn đấu trên 90% rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tập trung, trong đó thu gom và xử lý chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế, chất thải sinh hoạt tại các đô thị, các khu du lịch, các điểm tham quan đạt 100%; việc tái sử dụng hoặc tái chế rác thải sinh hoạt đạt trên 65%. Bảo đảm tỷ lệ hộ nông dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98% và xử dụng hố xí hợp vệ sinh đạt 95%.
Ngoài các hoạt động trên, tỉnh còn tăng cường quản lý môi trường các làng nghề và khu vực nông thôn, để nâng cao chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu vực đông dân cư. Các khu, cụm công nghiệp và 90% các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Tiếp tục quản lý hiệu quả các Vườn Quốc gia Núi Chúa, Phước Bình gắn với phát triển kinh tế rừng các xã vùng đệm, nhằm nâng cao độ che phủ rừng lên trên 50%...
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Văn Thanh (thực hiện)