Để ôn thi và làm bài có hiệu quả môn Ngữ Văn - Tuyển sinh vào lớp 10

(NTO) Để giúp các em ôn thi và làm tốt bài thi môn Ngữ văn trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT tại Ninh Thuận, năm học 2014-2015, chúng tôi tư vấn các em một số nội dung sau đây:

1. Cách thức ôn tập:

a. Hệ thống hóa kiến thức:

- Đọc hiểu văn bản: Nhóm các văn bản theo chủ đề để dễ so sánh đối chiếu khi viết bài Nghị luận văn học. Đối với từng văn bản được học, cần:

+ Nhớ tên tác giả, thể loại, năm sáng tác.

+ Học thuộc lòng thơ, học thuộc dẫn chứng văn xuôi để minh chứng cho nội dung cần phân tích, hoặc trả lời các câu hỏi đọc hiểu văn bản đã được học.

+ Tóm tắt được cốt truyện, nắm vững nội dung cơ bản của mỗi văn bản, đoạn trích.

+ Hiểu rõ ý nghĩa văn bản, đoạn trích (qua mỗi văn bản tác giả muốn gửi gắm điều gì ?)

+ Nhớ được nghệ thuật tiêu biểu của các văn bản, đoạn trích, từng câu thơ, đoạn văn,…

- Tiếng Việt: Thuộc và hiểu các khái niệm, kể cả các bài tổng kết mang tính chất toàn cấp trung học cơ sở có trong chương trình Ngữ văn 9. Biết vận dụng kiến thức tiếng Việt để giải các bài tập thực tiễn,…

- Làm văn: Nắm vững lí thuyết viết bài Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học.

b. Chuẩn bị kiến thức về xã hội: Đọc các sách về kĩ năng sống, Quà tặng cuộc sống, xem ti vi, đài báo,…để có tư liệu viết tốt bài, đoạn Nghị luận xã hội và văn học có yêu cầu liên hệ với thực tiễn cuộc sống, học tập.

c. Rèn kĩ năng viết:

- Tập lập dàn ý ngắn gọn, nhanh chóng cho câu hỏi yêu cầu viết đoạn, bài văn.

- Rèn kĩ năng viết đoạn, bài văn nghị luận theo dung lượng qui định sẵn như: dòng, câu, từ, trang,...

VD: Viết đoạn văn khoảng 1-10 câu trình bày về…../ Viết bài văn khoảng 1 - 2 trang giấy thi,…

Dạng câu hỏi này nhằm nhắc nhở các em viết ngắn gọn, súc tích, đúng, trúng vấn đề yêu cầu và để phù hợp với thời gian làm bài. Gặp đề dạng này, các em không nên quá lo lắng nếu viết dài hơn qui định một chút (không quá dài gấp đôi, gấp ba qui định). Các em nên tự tin thể hiện trọn vẹn quan điểm của mình miễn là bài, đoạn văn giải quyết được yêu cầu đề bài một cách thuyết phục; lí lẽ dẫn chứng hợp lí; viết đúng chính tả, từ, ngữ pháp, đúng cấu tạo một đoạn văn, bài văn,…là được.

- Rèn cách mở bài, kết bài cho đúng và phải ấn tượng để dành điểm cao, đối chọi với thí sinh khác.

- Rèn cách xây dựng đoạn (luận điểm, ý lớn,…) hợp lí trong bài nghị luận. Làm sao để khi nhìn vào bài viết, giám khảo có thể nhìn thấy và đọc được một cách rõ ràng các luận điểm. Luận điểm trong bài phải có câu chủ đề, các câu triển khai, câu kết, câu chuyển đoạn.

- Rèn cách đưa dẫn chứng để thuyết phục người đọc trong mỗi luận điểm (đúng, đủ, tiêu biểu, hấp dẫn).

- Rèn cách phân tích kết hợp nội dung và nghệ thuật trong khi viết bài Nghị luận văn học.

- Rèn luyện phối hợp nhiều yếu tố và thao tác khác nhau trong bài văn nghị luận. Ví dụ đưa yếu tố biểu cảm vào bài nghị luận,…

- Rèn cách trả lời các câu hỏi ngắn ở phần đọc hiểu: Trả lời đúng, trúng, không dài dòng mất thời gian. Cần viết thành câu đơn giản, đúng ngữ pháp, rõ ràng về phương án trả lời, tránh trả lời cụt lủn theo kiểu gạch đầu dòng.

- Rèn viết nhanh để kịp thời gian, chữ viết rõ ràng, tránh mất dấu, mất nét và đẹp thì càng tốt. Làm sao để bài viết các em đúng, đủ và sạch đẹp, dễ đọc, bắt mắt giám khảo thì khả năng đỗ vào kì tuyển sinh là rất cao.

2. Một số điểm cần lưu ý khi làm bài:

a. Với bài Nghị luận văn học: Không được sa vào việc chỉ kể tóm tắt, diễn giải nội dung chung chung mà không có dẫn chứng, không phân tích. Trong bài viết, các em cần phân tích, chứng minh, giải thích,…được cả nội dung và nghệ thuật của văn bản, đoạn trích.

b. Trình bày bài viết: Không dùng bút hai màu mực hoặc bút không đều mực nhằm tránh trường hợp viết quá đậm đoạn đầu, đoạn sau viết quá nhạt; Không dùng các màu mực viết không cho phép như: bút đỏ, bút xóa, bút chì,…; Không gạch bỏ bằng cách tô đậm, gạch đi gạch lại nhiều lần chỗ định bỏ,…

Tóm lại, các em cần: bình tĩnh, ôn thật kĩ kiến thức, kĩ năng căn bản chủ yếu trong chương trình Ngữ văn ở lớp 9; lên thời khóa biểu thật chu đáo, làm sao có đủ thời gian để ôn tập thì khi vào phòng thi chúng ta sẽ tự tin, thoải mái; tránh bị nhiễu thông tin trước mỗi kì thi. Ngoài ra, các em cũng cần chuẩn bị sức khỏe tốt, tránh học quá khuya, ăn uống qua loa để học các lớp ôn thi cấp tốc; cần ăn uống đủ chất, tập thể dục, vui chơi hợp lí để tăng thể lực và giảm stress cho giai đoạn tập trung ôn thi.